Nhiều trường hợp bị phát hiện tham nhũng đã tự tử

01/03/2021 11:12:52

Theo TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, khi phạm tội tham nhũng và bại lộ, người ta sẵn sàng chết, bởi họ biết ra tòa vẫn bị tội chết, tài sản bị tịch thu, nên họ tự tử cho "hết chuyện".

Nhiều trường hợp bị phát hiện tham nhũng đã tự tử
TS Đinh Văn Minh

"Trước tiên, người dân đã có sự tin tưởng. Bên cạnh đó, người chống tham nhũng thấy yên tâm, vì có sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Ngoài ra, nền quản trị của chúng ta bây giờ đã tốt hơn rất nhiều. Điều quan trọng phải kể đến chính là sự minh bạch, công khai, báo chí và người dân cùng vào cuộc.

Đó là sự ủng hộ, tiếp sức về tinh thần. Điều này rất quan trọng. Ngày xưa, người chống tham nhũng, tiêu cực cảm thấy rất lẻ loi, thậm chí đôi khi có những người còn bị ghẻ lạnh, bị cho rằng "ông lắm chuyện", "moi móc"... Ngược lại, bây giờ người chống tiêu cực, tham nhũng đã được tạo điều kiện, được tôn vinh, trở thành một cú hích tinh thần rất lớn...

Luật quy định Nhà nước hoàn toàn có thể thu hồi tài sản có nguồn gốc tham nhũng. Hai chữ "nguồn gốc" tài sản rất quan trọng, giúp thu hồi được cả tài sản tẩu tán, chứ không chỉ thu hồi tài sản của người tham nhũng.

Rất nhiều trường hợp sau khi phát hiện tham nhũng đã tự tử, "hy sinh đời bố củng cố đời con". Khi phạm tội và bại lộ, người ta sẵn sàng chết, bởi họ biết, ra tòa, vẫn bị tội chết, tài sản bị tịch thu, nên họ tự tử cho "hết chuyện".

Một trong những căn cứ đình chỉ vụ án là nghi can chết. Nhưng bây giờ không phải thế nữa: Anh chết là việc của anh, còn những vấn đề quyền và lợi ích liên quan đến nguồn gốc tài sản vẫn phải thu hồi. Kể cả khi anh đã chết hoặc bỏ trốn, nhưng nếu chứng minh được tài sản đó có nguồn gốc bất minh, vẫn có thể thu hồi về cho Nhà nước".

(TS ĐINH VĂN MINH, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, cho biết trên Báo Tiền Phong ngày 1-3).

Theo Nld.com.vn 

Nổi bật