Sau bốn ngày mở phiên xử, trưa 23/6 các bị cáo trong vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp 800 tỷ đồng trái luật vào Ngân hàng Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) được HĐXX cho nói lời sau cùng.
Là người mở đầu, ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch PVN) bình tĩnh trình bày, suốt quá trình công tác 30 năm tuổi Đảng đã luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, quyết liệt vì sự nghiệp phát triển đất nước, vì nhân dân. Khi là Chủ tịch PVN, ông cùng tập thể lãnh đạo nhân viên đưa doanh nghiệp này thành tập đoàn kinh tế mạnh hàng đầu của đất nước, là điểm sáng chứng minh vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước, tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
“Trong công việc tôi luôn hết sức quyết liệt không vì động cơ cá nhân nào”, bị cáo nhấn mạnh.
Với việc góp vốn vào Oceanbank, ông Thăng cho rằng đó là giải pháp kinh tế giải quyết hệ lụy việc thay đổi chính sách của Chính phủ trong việc cho phép thành lập ngân hàng riêng của ngành dầu khí. Và để giải quyết, PVN đã tìm đối tác đầu tư, trong nhiều đơn vị gặp gỡ thì chỉ có Oceanbank đồng ý điều kiện của tập đoàn.
Cựu chủ tịch PVN khẳng định việc đầu tư vào Oceabnk là "đúng chủ trương, đúng pháp luật được sự đồng ý của Thủ tướng". Hiệu quả đầu tư đã được khẳng định. Ông rời PVN năm 2011 thì trách nhiệm bảo toàn vốn lúc đó đã hoàn thành bởi vẫn được Oceanbank trả cổ tức. Tuy nhiên sau này thực hiện chủ trương tái cơ cấu, PVN xin thoái vốn. Đầu tiên Chính phủ đã đồng ý nhưng sau hai tuần lại không đồng ý với lý do giao Ngân hàng Nhà nước tái cơ cấu các ngân hàng tổ chức tín dụng.
“Vì vậy tôi kính mong HĐXX xem xét giải quyết vụ án một cách công tâm, khách quan, công bằng, đúng pháp luật thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như lương tâm nghề nghiệp”, ông Thăng nêu nguyện vọng.
Ông khẳng định, dù làm bất cứ việc gì cũng có ý thức thượng tôn pháp luật không bao giờ cố ý làm trái hay biết sai vẫn làm. “Tôi không bao giờ làm điều đó”, ông Thăng nhắc lại tới hai lần câu này.
“Tôi xin khẳng định lại lần nữa, tôi không có tội. Kính mong HĐXX xem xét giải quyết có tình, có lý, đúng pháp luật nhưng cũng thể hiện tính nhân văn nhân đạo của Đảng, nhà nước với tinh thần cải cách tư pháp”, ông Thăng kết thúc lời nói sau cùng.
Các bị cáo ân hận vì một lần sai lầm đã 'thổi bay' cả đời cống hiến
Không giống ôngThăng, năm bị cáo khác khi trình bày lời nói sau cùng đều tỏ lòng ân hận.
Cựu kế toán trưởng PNV Ninh Văn Quỳnh cho biết có 37 năm công tác trong ngành dầu khí và nếu không bị bắt thì giờ đã nghỉ hưu được mấy tháng. Ông Quỳnh khẳng định lúc bị bắt đã rất ăn năn hối hận, thấy hành vi phạm tội của mình một phần do yếu kém chuyên môn, tin tưởng lãnh đạo và "một điều xấu hổ là vì lòng tham mà nhận tiền bất chính từ anh Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc PVN)".
Bị cáo Quỳnh nói đang mang bệnh nên mong HĐXX cân nhắc mức án có cơ hội sống trở về với gia đình vì hiện đã có những biến chứng.
Cựu thành viên HĐTV Vũ Khánh Trường trong lời nói sau cùng, buồn bã trình bày: "Bị cáo phải nhận hình phạt là nỗi đau của gia đình cũng như cá nhân". Ông này cho rằng khi làm việc có thể sai sót, nhưng tới mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự là nỗi đau không thể nào quên. Tuy nhiên, ông cho rằng mình không tham ô, tư lợi, lợi ích nhóm mà phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, cũng có thể do không đủ thông tin trong quá trình xử lý công việc, tin tưởng bộ phận giúp việc chuyên môn…
Cựu thành viên HĐTV khác là Nguyễn Xuân Thắng giãi bày từ khi là thanh niên được Đảng nhà nước nuôi ăn học, tới nay làm ở ngành dầu khí được 40 năm, gần 40 năm tuổi Đảng... Ông nói "thành khẩn nhận lỗi" và tự ý thức những vi phạm của mình đã "ghi điểm đen trong lịch sử gia đình, dòng họ".
Bị cáo Nguyễn Thanh Liêm nói: “Đứng trước tòa bị cáo vô cùng ân hận bởi hành vi gây ra đã hủy hoại truyền thống gia đình cách mạng của bị cáo, tiêu tan công lao đóng góp của bị cáo trong mấy chục năm qua”...
Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX cho hay sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào 15h ngày 26/6 (chiều thứ ba tuần sau).
Theo Bảo Hà (VnExpress.net)