Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) vừa ban hành bản Kết luận điều tra bổ sung vụ án “đại gia” Lã Quang Bình và đề nghị truy tố 16 bị can về các tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ” và “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2016-2020, bị can Lã Quang Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty ECPAY) sử dụng nhiều công ty, lập hồ sơ vay tiền ngân hàng với mục đích thanh toán ứng trước tiền điện cho các công ty điện lực, đầu tư kinh doanh bất động sản và một số lĩnh vực khác.
Trong các năm 2018-2020, Công ty ECPAY được cấp hạn mức tín dụng 1.000 tỷ đồng/năm, tài sản bảo đảm là các hợp đồng tiền gửi và trái phiếu do ngân hàng phát hành. Các công ty khác của Lã Quang Bình cũng được cấp hạn mức tín dụng 100 tỷ đồng/năm. Trong đó, 50% được bảo đảm bằng các hợp đồng tiền gửi và 50% vay tín chấp.
Đến cuối năm 2020, do kinh doanh đình trệ và do sử dụng tiền vào hoạt động bất động sản dẫn đến các khoản vay bị quá hạn, các công ty điện lực dừng việc hợp tác với Công ty ECPAY. Bị mất nguồn thu nên khoản vay của các công ty trên rơi vào diện nợ xấu.
Năm 2021, Đoàn kiểm tra của ngân hàng tiến hành kiểm toán đối với chi nhánh Đống Đa đã phát hiện Công ty ECPAY sử dụng vốn sai mục đích hơn 258 tỷ đồng. Đến tháng 5-2021, tổng dư nợ của 5 công ty trên là hơn 1.400 tỷ đồng.
Mặc dù tháng 7-2021, ngân hàng yêu cầu chi nhánh Đống Đa ngừng giải ngân cho vay, thu hồi khoản nợ đến hạn với Công ty ECPAY, song Lã Quang Bình đã cấu kết với nhóm cán bộ ngân hàng như Phạm Như Hà (Phó giám đốc chi nhánh), Nguyễn Thành Nhân (Trưởng phòng Phòng khách hàng doanh nghiệp), Vương Thị Bích Ngọc (Phó Trưởng phòng Phòng khách hàng doanh nghiệp) lập khống hồ sơ để giải ngân.
Nhằm tránh việc các công ty trên rơi vào nợ xấu nhóm 3, Bình chủ trương chi tiền mua công ty mới, thuê người đứng tên đại diện pháp nhân và kế toán, rồi làm giả giấy tờ, hợp thức hồ sơ vay tiền, mở L/C (thư tín dụng) cho các công ty mới như lập khống phương án sản xuất kinh doanh, hợp đồng mua bán…
Đến tháng 2-2023, Bình và đồng phạm sử dụng hơn 60 công ty lập khống hồ sơ để được giải ngân trái quy định hơn 2.200 tỷ đồng. Đối chiếu dư nợ và giá trị tài sản đảm bảo, tổng thiệt hại của ngân hàng là hơn 1.086 tỷ đồng.
Ngoài hành vi trên, “đại gia” Lã Quang Bình còn vay lãi nặng bên ngoài. Theo đó, một số cựu nhân viên ngân hàng đã tham gia vào việc cho vay lãi nặng.
Cụ thể, bị can Nguyễn Hoài Anh từng công tác tại ngân hàng nên biết rõ các quy định về cấp hạn mức tín dụng và giải ngân. Bị can Hoài Anh vì thế bàn bạc, thống nhất với Phạm Như Hà và chỉ đạo nhân viên lập khống hồ sơ mua bán thép với nhau để tạo phương án kinh doanh giả tạo nhằm hợp thức hóa việc giải ngân.
Sau đó, Hoài Anh dùng tiền này cho Lã Quang Bình vay với lãi suất cao để thu lợi và sử dụng vào mục đích cá nhân. Cùng với đó, do biết Bình khó khăn về tài chính nên một mặt, Hoài Anh cho “đại gia” vay tiền lãi suất cao, một mặt móc nối với Phạm Như Hà không giải ngân cho các doanh nghiệp liên quan khiến Bình buộc phải vay tiền với lãi suất “cắt cổ”.
Tổng cộng, Nguyễn Hoài Anh cho Bình vay 120 tỷ đồng, lãi suất 4.000 đồng/triệu/ngày, tương đương với mức lãi suất 146%/năm. Bị can đã thu lãi 9,6 tỷ đồng, hưởng lợi 5,5 tỷ đồng và Phạm Như Hà, Vương Thị Bích Ngọc được chia cho 4 tỷ đồng.
Cùng bị đề nghị truy tố về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, bị can Nguyễn Hải Long (cựu Phó tổng giám đốc ngân hàng) đã cho Bình vay 30 tỷ đồng từ ngày 15-3 đến ngày 19-8-2021 với lãi suất 0,5%/ngày (5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày), tương đương mức lãi suất 182,5%/năm, gấp 9,125 lần so với mức lãi suất cao nhất trong giao dịch dân sự theo quy định pháp luật. Bị can Long thu lợi bất chính hơn 16,3 tỷ đồng.
Theo Vinh Bùi (An Ninh Thủ Đô)