Xã Xuân Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) từng là một trong những địa phương có hoạt động mua bán ma túy phức tạp. Cũng do dính vào "hàng cấm", ông Võ Văn Bình (55 tuổi) bị tòa tuyên án tử hình.
Vào tù vì ma túy
Năm 1995, dù làm nhiều việc nhưng ông Bình vẫn không thoát khỏi cái đói, không đủ tiền nuôi sống vợ con. Trong chuyến đi bán hàng ở huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An), ông được người lạ thuê vận chuyển thuốc phiện về xuôi với giá 100.000 đồng/kg.
Lúc khó khăn gặp được công việc nhẹ, thù lao cao, ông chấp nhận vận chuyển hàng cấm. Cuối năm đó, ông bị bắt khi đang chuyển lượng ma túy lớn và bị tòa tuyên án tử hình.
Ít năm sau, khi đang ngồi trong ngục tù chờ chết, tử tù này nhận được hung tin người vợ vì túng quẫn cũng nối gót chồng và bị tuyên án chung thân. Ba đứa con chỉ biết nương tựa vào nhau trước sự che chở trông nom của ông bà nội.
Thời gian này, khát vọng sống của tử tù này trỗi dậy. Ông tự nhủ bản thân phải gắng sống để làm chỗ dựa cho con. Ông quyết định viết đơn gửi Chủ tịch nước xin cơ hội sống dù biết cơ hội rất mong manh.
Quyết tâm làm lại cuộc đời
Sau nhiều nỗ lực, ông Bình được giảm án tử hình xuống chung thân. Ông đã khóc òa khi cán bộ trại giam công bố lệnh giảm án.
Ông kể lại: “Lúc đó, tôi không tin mình được sống. Tôi ôm cán bộ trại giam rồi khóc như đứa trẻ".
Ông Bình sau đó được phân công hỗ trợ bác sĩ trại giam chăm sóc cho bệnh nhân.
Sau 8 năm, những nỗ lực cải tạo của ông Bình được lực lượng chức năng ghi nhận. Người đàn ông sau đó được giảm án từ chung thân xuống 20 năm tù.
Sau 4 lần được giảm án, đầu tháng 2/2013, ông Võ Văn Bình được trả tự do.
Ngày trở về với gia đình, ông Bình chỉ có 2 bàn tay trắng và chịu nỗi đau cha mẹ già đã mất. Ông bật khóc khi nhìn 3 đứa con nheo nhóc, căn nhà hoang tàn, vợ còn thụ án ở trại giam.
Ông nói trong nước mắt: “Ngày về, trong nhà không còn gì. Nhà cửa lụp xụp, cái bát, cái chén cũng không có. Ma túy đã cướp đi tất cả của tôi”.
Để làm lại cuộc đời, ông Bình vay tiền để sửa sang căn nhà. Để con có cơm ăn, áo mặc, ông quần quật gầy dựng kinh tế từ 6 sào ruộng của gia đình.
Người hoàn lương này sau đó đào ao nuôi cá, trồng cây ăn trái, nuôi gà. Kinh tế gia đình được cải thiện, ông không tự mãn với bản thân mà tiếp tục mở rộng quy mô trang trại, chuyển hướng làm ăn nhỏ lẻ sang cung cấp thực phẩm sạch cho các nhà hàng.
Để tương lai của con được êm ấm, ông dùng tiền tích góp được và vay mượn thêm làm kinh phí cho con xuất khẩu lao động. Qua nhiều năm, việc làm ăn của con có hiệu quả, cuộc sống trở nên đầy đủ, khang trang.
Theo Phạm Hòa (Tri Thức Trực Tuyến)