Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, ngày 8/1, cơ quan Cảnh sát điều tra (PC45, công an TP.Hà Nội) đã đưa bị can Phan Thị Trinh (SN 1998, trú tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP.Hà nội) đến Viện pháp y tâm thần trung ương (Bộ Y tế) để tiến hành trưng cầu giám định.
Bị can Trinh là nghi phạm sát hại con đẻ 35 ngày tuổi ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội vào ngày 12/6/2017 vừa qua.
Luật sư Cường cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, gia đình nạn nhân đã đến văn phòng luật sư đề nghị giúp đỡ. Luật sư Cường đã đồng ý tham gia bào chữa miễn phí đồng thời tư vấn chặt chẽ những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý cho đối tượng Phan Thị trinh và gia đình.
Trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, luật sư Cường cho biết, bị can Trinh luôn tỏ ra sợ hãi và hoảng loạn, đặc biệt người phụ nữ này không ngừng khóc mỗi khi nhắc đến sự việc.
Luật sư Cường cho biết, theo gia đình sau khi sinh con, Trinh bị đau đầu, hay quên và có những biểu hiện lạ, tâm lý hoảng sợ, rơi vào cảm giác ảo.
"Sau khi Trinh sinh con, mẹ Trinh sang bế cháu, chăm con thì cũng đã thấy Trinh có những biểu hiện bất thường như hay quên, hay buồn, đau đầu... nhưng không nghĩ là Trinh trầm cảm, không hiểu về tình trạng bệnh lý nên không đi khám chữa. Càng ngày tình trạng đau đầu, đãng trí càng trầm trọng mới dẫn đến hậu quả đau đớn như vậy. Nếu lúc này, gia đình quan tâm sát sao hơn để biết và đưa Trinh đi khám và chữa trị thì có lẽ mọi chuyện đau lòng đã không xảy ra", luật sư Cường chia sẻ.
Cũng theo luật sư Cường, quá trình gặp bị cáo trong trại giam, Phan Thị Trinh nói sự việc xảy ra người phụ nữ này không nhớ gì hết. Khi đến công an làm việc, Trinh mới dần dần nhớ được diễn biến sự việc. Khi được cơ quan điều tra đặt câu hỏi, Trinh phải mất rất lâu mới có thể trả lời rời rạc và không ngừng khóc, không hiểu tại sao mình lại hành động như thế.
Khai báo tại cơ quan điều tra, Trinh nói bố mẹ chồng và gia đình chồng rất tốt, không có mâu thuẫn với ai trong gia đình.
"Khi vụ việc mới xảy ra, gia đình nhà Trinh rất hoang mang, lo lắng... sợ rằng có mâu thuẫn gì khiến người "mẹ trẻ" nóng nảy bột phát dẫn đến thực hiện hành vi như vậy, cũng sợ gia đình nhà chồng tức giận, thù hận... Nhưng qua quá trình giải quyết vụ việc thì mọi việc dần dần được làm rõ. Trinh không có mâu thuẫn gì với gia đình nhà chồng", luật sư Cường cho biết.
"Đến nay, cả hai gia đình đều thông cảm cho Trinh, thương Trinh và mong Trinh sớm trở về với gia đình. Chồng Trinh vẫn còn thương vợ nhiều lắm, rất lo lắng cho sức khỏe của vợ, hàng tuần đều lên thăm nuôi và gửi đồ tiếp tế cho Trinh tại trại tạm giam. Mọi người đều nghĩ rằng Trinh hành động theo vô thức không có tội gì cả nên mong muốn các thủ tục pháp lý nhanh chóng để sớm làm rõ sự việc, làm căn cứ để đình chỉ vụ án, luật sư Cường nói.
Bằng tinh thần trách nhiệm, luật sư Cường đã nhận lời bào chữa miễn phí cho bị can Phan Thị Trinh. Trong quá trình bào chữa, luật sư đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ và tiếp xúc nhiều lần với bị can tại trại giam. Luật sư Cường cho rằng, việc gây án của bị can Trinh do ảnh hưởng của bệnh lý liên quan đến thần kinh, vì thế, văn phòng luật sư đã có đơn đề nghị giám định tâm thần ngay từ đầu. Sau đó, cơ quan điều tra đã có những động thái tích cực trước đề xuất này của phía văn phòng luật sư Chính Pháp.
Tuy nhiên, do một số điều kiện khách quan mà đến nay, bị can mới được đưa đến viện Pháp y tâm thần Trung ương để giám định.
"Theo quy trình thăm khám, giám định tâm thần phải cần 1-2 tháng điều trị, theo dõi,Trung tâm giám định tâm thần Trung ương mới có thể kết luận giám định về tâm thần. Nếu kết luận giám định xác định tại thời điểm thực hiện hành vi thả con vào chậu nước mà Trinh bị mắc bệnh làm mất hoàn toàn khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì vụ án giết người này sẽ bị đình chỉ, Trinh sẽ bị áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh.
Nếu kết quả giám định tâm thần cho thấy trước, trong và sau khi thực hiện hành vi thả con vào chậu nước dẫn đến hậu quả cháu bé tử vong mà Trinh chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc hoàn toàn tỉnh táo thì Trinh vẫn bị điều tra, truy tố, xét xử về tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, với những biểu hiện bất thường như vậy thì rất có khả năng tại thời điểm thực hiện hành vi thả con vào chậu nước dẫn đến đứa trẻ tử vong, Trinh đã bị bệnh làm mất khả năng nhận thức", luật sư Cường cho biết thêm.
Trước đó, khoảng 5h40 ngày 12/6, ông Vũ Đình Lăng (SN 1948, trú tại thôn Đình, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) phát hiện cháu nội là Vũ Việt A. (35 ngày tuổi) nằm sấp ở chậu nước trong nhà. Khi ông Lăng bế lên thì cháu bé đã tử vong.
Tại nơi cháu bé ngủ cùng bố mẹ ở buồng tầng 1, ở bậc thang từ tầng 1 đến tầng 2 có dòng chữ "Tao sẽ giết cháu mày Lăng" bằng chữ in hoa.
Vụ việc sau đó được báo lên cơ quan công an. Sau hơn 30 giờ tích cực điều tra, Công an TP.Hà Nội đã làm rõ đối tượng gây ra vụ giết người trên không ai khác chính là mẹ đẻ của cháu Việt A. – Phan Thị Trinh.
Theo đó, ngày 18/9/2016, Trinh kết hôn với anh Vũ Hoàng H. và sinh được một con chung là cháu Việt A. Ngày 12/6, vẫn như mọi ngày, cháu Việt A. ngủ thì Trinh đặt con nằm trên giường, bên trong cùng sát tường còn Trinh nằm giữa, anh H. nằm ngoài. Khoảng 2h sáng thì Trinh tỉnh giấc vì nghe tiếng con khóc, Trinh cho con bú khoảng 5 phút thì cháu Việt A. ngủ tiếp. Trinh đặt con xuống giường và đi ngủ.
Tuy nhiên, sau đó người mẹ này đã tỉnh dậy bế cháu Việt A. từ phòng ngủ ra gần cầu thang lối lên tầng 2 của gia đình, thấy có chậu nước hàng ngày tắm cho cháu Việt A. đầy nước, Trinh liền thả cháu vào chậu trong tư thế sấp mặt xuống đáy chậu rồi đi xuống nhà vệ sinh tầng 1, sau đó lên phòng ngủ ở tầng 2 như chưa có chuyện gì xảy ra. Trong lúc đi lên tầng 2 thì thấy cục than hoa, Trinh liền viết dòng chữ "Tao sẽ giết cháu mày Lăng." rồi lên giường đi ngủ cho đến khi ông Lăng. – bố chồng Trinh gọi hai vợ chồng dậy khi phát hiện sự việc.
Sáng 14/6, Trinh đã bị công an bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, Phan Thị Trinh đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của minh.
Theo Minh Khôi (Thời Đại)