Người đàn ông bẻ cần gạt nước ở Cần Thơ đối diện mức phạt nào?

08/05/2025 06:32:57

Người đàn ông chặn đầu ô tô, bẻ cần gạt nước ở Cần Thơ có dấu hiệu hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính 3 - 5 triệu đồng hoặc xử lý hình sự nếu có yếu tố tăng nặng.

Mạng xã hội những ngày qua lan truyền đoạn clip dài gần 2 phút ghi cảnh người đàn ông đi xe máy chặn đầu ô tô, bẻ cần gạt nước ở Cần Thơ.

Sáng 7/5, lực lượng chức năng đã mời người đàn ông đập phá, bẻ gãy cần gạt nước và hăm dọa tài xế ô tô lên làm việc. Tại cơ quan công an, anh này thừa nhận toàn bộ hành vi của mình và khai không quen biết, không có mâu thuẫn với tài xế ô tô. Việc chặn đầu, đập phá xe là hành vi bột phát trong lúc nóng giận.

Phân tích tình huống pháp lý trong vụ việc này, Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc- Hà Nội) cho biết, hành vi chặn đầu ô tô đập gương chiếu hậu và bẻ gãy hai cần gạt nước của người đàn ông trong clip có dấu hiệu hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. 

Người đàn ông bẻ cần gạt nước ở Cần Thơ đối diện mức phạt nào?
Người đàn ông bẻ cần gạt nước tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Cần Thơ

“Tùy thuộc vào mức độ, hành vi cụ thể, các tình tiết khác trong vụ việc, người này có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự”, Luật sư Phạm Thanh Bình nêu.

Về xử lý hành chính, Luật sư Phạm Thanh Bình viện dẫn quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì người có hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức” nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

“Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu (nếu có thể), hoặc bồi thường thiệt hại do hành vi gây ra”, luật sư Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.

 Vẫn theo Luật sư Phạm Thanh Bình, về xử lý hình sự thì tại Khoản 1, Điều 178, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định: Người có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: 

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; 

Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; 

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; 

Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; 

Tài sản là di vật, cổ vật thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

“Soi chiếu vào vụ việc này, nếu tài sản (gương chiếu hậu và hai cần gạt nước mưa) bị hư hỏng có giá trị không đến 2.000.000 đồng và người đàn ông này không thuộc 4 trường hợp kể trên thì có thể chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc phải bồi thường thiệt hại do hành vi của anh ta gây ra”, Luật sư Phạm Thanh Bình nêu.

Đặc biệt, trong trường hợp người vi phạm không bị xử phạt hoặc không bồi thường thiệt hại thì về nguyên tắc, theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về quyền khởi kiện vụ án và Điều 584 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chủ xe ô tô có quyền khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền là lợi ích hợp pháp của mình. 

"Do đó, chủ ô tô cần làm theo các bước sau để bảo vệ quyền lợi của mình:

Bước 1: Thu thập chứng cứ: Hình ảnh, video hiện trường vụ việc; Lời khai của nhân chứng; Hóa đơn sửa chữa hoặc báo giá chi phí thiệt hại; Các tin nhắn, ghi âm thể hiện người gây thiệt hại từ chối bồi thường (nếu có); Giấy tờ xe, CCCD để chứng minh tư cách chủ sở hữu.

Bước 2: Khởi kiện dân sự: Soạn đơn khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại; Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền; Nộp kèm các chứng cứ, giấy tờ liên quan.

Bước 3: Tham gia quá trình giải quyết vụ việc theo trình tự tố tụng dân sự sau khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện", luật sư Phạm Thanh Bình nêu. 

Theo N.Huyền (VietNamNet)