Mua đất 10 năm bất ngờ bị kiện, cụ ông ở TPHCM 'mất trắng' tài sản dưỡng già

08/05/2025 15:56:21

Dốc hết tiền tiết kiệm mua miếng đất ở quê để dưỡng già nhưng cuối đời, cụ ông bất ngờ vướng vào vụ kiện "ngang xương" như trên trời rơi xuống.

Vụ kiện bất ngờ

Sau hơn 20 năm làm công việc bảo vệ sự thật, luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Đoàn Luật sư TPHCM vẫn không quên vụ việc của ông Tư (79 tuổi) ở đường Dạ Nam, quận 8, TPHCM. 

Một ngày của nhiều năm về trước, ông Tư đến tìm luật sư Quỳnh Như với hy vọng có thể giữ lại mảnh đất dưỡng già của mình.

Trước đó, theo lời giới thiệu của cháu ruột, ông Tư gom tiền tiết kiệm, tiền hưu trí về Tiền Giang mua miếng đất dưỡng già. Việc mua bán của ông diễn ra suôn sẻ. 

Mua đất 10 năm bất ngờ bị kiện, cụ ông ở TPHCM 'mất trắng' tài sản dưỡng già
Gần cuối đời, cụ ông bất ngờ vướng vụ kiện 'ngang xương'. Ảnh minh họa: P.X

Mua được miếng đất tốt, lại nằm cạnh nhà cháu ruột, ông Tư vui lắm. Mỗi khi rảnh, ông chạy xe máy từ TPHCM xuống Tiền Giang để chăm sóc khu đất. 

Bỗng một ngày, ông nhận tin có người khởi kiện, đòi lại miếng đất. Ông bàng hoàng, không hiểu vì sao lại thành bị đơn trong vụ kiện từ trên trời rơi xuống này. 

Bởi khi mua đất, ông đã trả tiền sòng phẳng. Chục năm qua, ông cũng không tranh chấp với ai. 

Luật sư Quỳnh Như kể: “Khi xảy ra tranh chấp, ông Tư mới tìm hiểu nguồn gốc miếng đất mà mình mua trước đây.

Mảnh đất này trước đó thuộc về ông Bảy. Sau khi ly hôn, ông Bảy được chia miếng đất này. Về già, ông Bảy bệnh tật nhưng đơn chiếc, không ai chăm sóc. Người anh ruột là ông Sáu đón ông Bảy về chăm nuôi. Ông Bảy làm giấy uỷ quyền cho anh trai đứng ra bán mảnh đất để lấy tiền lo cho mình. 

Do mãi không có ai mua, ông Sáu lấy tiền nhà, mượn tiền con để chạy chữa cho em. Đến khi ông Tư đến mua đất, chưa kịp ký giấy sang tên thì ông Bảy qua đời. 

Trong hồ sơ chuyển nhượng cho ông Tư, ông Sáu ký tên cho ông Bảy ở chỗ đại diện theo uỷ quyền.

Sau này, con ông Bảy được người khác tư vấn, biết bác mình bán đất như vậy là sai. Theo luật, sau khi ông Bảy qua đời, giấy uỷ quyền cũng hết hiệu lực.

Do đó, việc ông Sáu ký giấy bán đất rồi nhận tiền là sai. Mảnh đất này phải thuộc quyền thừa kế của con ông Bảy. Thế nên, người này khởi kiện đòi lại đất”.

Trắng tay 

Ông Tư như bị sét đánh ngang tai. Ông nói giấy tờ mang tên mình. Ông đóng thuế chục năm nay. Giờ mảnh đất mang tên ông, thì sao con ông Bảy lại đòi được.

Ông nói, lúc mua, chính con trai và vợ cũ của ông Bảy chăng dây, đóng cọc đo đất. Mua bán xong, người này còn rối rít cảm ơn ông.

Chứng kiến vụ kiện, ông Sáu cũng bất ngờ. Ông phân trần: “Tiền bán đất trừ đi thang thuốc, ma chay cho ba con, bác cũng đưa lại cho anh em con rồi. 

Lúc đó, con không chịu nhận. Bác nói một thôi một hồi, con mới nhận, sao giờ lại kiện đòi đất? Bác biết đâu mà trả cho con?”.

Bất chấp 2 người lớn tuổi nói hết lời, con trai ông Bảy không nhượng bộ, quyết theo vụ kiện đến cùng. Luật sư Như tìm cách khuyên can cũng không xong.

Vụ kiện kéo dài. Khi ông Sáu qua đời, các con của ông phải đứng ra chịu trách nhiệm thay ông.

Khi con ông Bảy thắng kiện, được nhận lại đất, các con của ông Sáu phải bồi thường cho ông Tư. Điều đau lòng, các con của ông Sáu đều có cuộc sống khó khăn. 

Luật sư Như tâm sự: “Ra tòa, hội đồng xét xử, viện kiểm sát ai cũng thương cho hoàn cảnh của ông Tư và các con của ông Sáu.

Chiếu theo luật, nguyên đơn (con ông Bảy - PV) thắng. Tuy nhiên, họ khuyên nguyên đơn xem lại cái tình, cái nghĩa. Tòa nhắc lại việc ông Sáu từng cưu mang cha nguyên đơn, giờ các con của ông Sáu lại phải gánh nợ thay cha.

Toà khuyên nguyên đơn tìm một giải pháp ôn hòa, bớt thiệt thòi cho ông Tư để kết thúc vụ án. Tuy nhiên, người này kiên quyết không chịu. Cuối cùng, ông Tư mất đất, các con ông Sáu phải trả nợ thay cha.

Viện kiểm sát cũng an ủi ông Tư rằng ông không có gì sai. Chỉ vì ông không hiểu pháp luật, cả tin mà mất tài sản”.

Theo Hà Nguyễn (VietNamNet)