VKS đề nghị 11-12 năm tù với Đinh Mạnh Thắng
Ngày 26/1, phiên sơ thẩm xét xử Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) và 7 đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) bước sang ngày thứ 3.
Chiều một ngày trước, đại diện VKSND đã đề nghị các mức án cho 8 bị cáo. Theo đó, Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị án chung thân, Đinh Mạnh Thắng (em trai Đinh La Thăng) bị đề nghị 11-12 năm...
Luật sư đề nghị thực nghiệm để 14 tỷ trong vali
Tranh tụng tại tòa, 3 luật sư của bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị HĐXX tuyên thân chủ của họ không phạm tội Tham ô tài sản. Những người bào chữa cũng đề nghị tòa thực nghiệm việc để 14 tỷ đồng vào vali như đề nghị của Trịnh Xuân Thanh một ngày trước.
Luật sư Thu Hằng cho rằng theo quy chế hoạt động của PVP Land, việc cho vay, mua bán hay chuyển nhượng cổ phần phải có sự chấp thuận của ban lãnh đạo. Nữ luật sư nói thân chủ của mình không có quyền quyết định chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land, thẩm quyền thuộc về lãnh đạo doanh nghiệp có ý định thoái vốn.
Theo nữ luật sư, việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương đã thực hiện đúng điều lệ của PVP Land. Ông Đào Duy Phong đã đại diện cho PVP Land ký quyết định. Luật sư Hằng nói, PVC đã giao ông Đào Duy Phong và Nguyễn Ngọc Sinh làm người đại diện vốn tại PVP Land. Họ có quyền quyết định việc chuyển nhượng cổ phần mà không cần đến sự đồng ý của PVC.
Với luận cứ nêu ra, luật sư khẳng định Trịnh Xuân Thanh không liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land. Ngoài ra, khai tại cơ quan điều tra, bị cáo Sinh đã khai và khẳng định việc bán cổ phần là do lãnh đạo PVP Land quyết định.
Nữ luật sư cũng cho rằng không có cơ sở khẳng định Trịnh Xuân Thanh biết giá chuyển nhượng cổ phần là 52 triệu đồng/m2 đất khi ký nghị quyết đồng ý thoái vốn. Người bào chữa cho ông Thanh nói PVC có các văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch HĐQT PVC về việc đồng ý cho chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land. Tuy nhiên, các văn bản này không thể hiện giá giá chuyển nhượng là 52 triệu/m2 đất.
Cho rằng VKS dựa vào các văn bản này để quy kết bị cáo Thanh liên quan đến quyết định chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu là không có căn cứ, luật sư đề nghị HĐXX tuyên thân chủ của bà không phạm tội Tham ô tài sản.
Nói về khoản tiền 14 tỷ đồng cơ quan công tố cáo buộc Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng, luật sư Nguyễn Quốc Hùng nói hồ sơ vụ án và quá trình thẩm vấn tại tòa chỉ duy nhất bị cáo Thái Kiều Hương điều khiển hướng đi của đồng tiền. Bị cáo Hương khai Đặng Sỹ Hùng đã nhờ chuyển tiền cho Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên trong lời khai của Hùng không có nội dung nào thể hiện nội dung này.
Luật sư cho rằng lời khai của Đinh Mạnh Thắng - người thừa nhận đã chuyển tiền cho Trịnh Xuân Thanh - mâu thuẫn so với các sự kiện xảy ra. Ông Hùng nói bị cáo Thắng từng khai cho tiền vào 2 thùng giấy nhưng mới đây đã thay đổi lời khai, nói để tiền vào 2 túi rồi cho vào vali kéo chuyển cho lái xe của Trịnh Xuân Thanh.
Khi bị cáo Hương nói với Thắng yêu cầu để đưa lại tiền, Thắng đã nói hoàn trả số tiền nguyên đai nguyên kiện. Luật sư cho rằng số tiền rất nhiều, Đinh Mạnh Thắng không thể mang chuyển cho bị cáo Thanh.
Luật sư Hùng đặt câu hỏi có cấu kết giữa Hương và Thắng để chiếm hưởng riêng số tiền này? Vì theo người bào chữa, cho đến khi được đưa đến nhà Đinh Mạnh Thắng, số tiền 14 tỷ hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của bị cáo Hương.
Trước khi kết thúc phần bào chữa cho nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, luật sư hy vọng việc thực nghiệm bỏ số tiền 14 tỷ đồng vào vali sẽ giúp làm sáng tỏ nhiều tình tiết, qua đó giúp chứng thực lời khai của Trịnh Xuân Thanh. “Từ những cơ sở lập luận trên, cho thấy không có chứng cứ nào thể hiện Trịnh Xuân Thanh nhận 14 tỷ. Đề nghị HĐXX cân nhắc và tuyên bị cáo Thanh vô tội”, luật sư Hùng nói.
Ai là người thỏa thuận giá chuyển nhượng chênh lệch?
Cùng bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Văn Quynh đặt ra câu hỏi: Ai là người thỏa thuận mức giá chuyển nhượng chênh lệch?
Theo luật sư, với 28% cổ phần vốn của PVC tại PVP Land, Trịnh Xuân Thanh không có quyền quyết định việc thoái vốn, chuyển nhượng tại PVP Land.
Phản biện nội dung luận tội của VKS, luật sư nói không có nội dung nào thể hiện vai trò của Thanh trong việc chuyển nhượng này. Người quyết định mua hay không, với giá bao nhiêu là bị cáo Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty 1/5).
Tại tòa, luật sư Quynh đã đọc các bút lục ghi lời khai của bị cáo Lê Hòa Bình tại cơ quan điều tra mà ông cho rằng có liên quan đến thân chủ của mình. Tuy nhiên sau ít phút, nữ chủ tọa đã ngắt lời, đề nghị luật sư tập trung các vấn đề liên quan đến phần bào chữa của mình.
Ông Quynh đề nghị HĐXX tôn trọng quyền bào chữa của luật sư. Việc này khiến cuộc tranh luận giữa luật sư với nữ thẩm phán diễn ra gay gắt.
Sau đó, luật sư công bố lời khai của bị cáo Lê Hòa Bình cho rằng bị cáo Duy là người đề nghị ghi trên hợp đồng chuyển nhượng giá bán chỉ 34 triệu. "Đề nghị HĐXX lưu ý lời khai này. Đây là một trong những lời khai quan trọng", ông Quynh nói và cho rằng Trịnh Xuân Thanh không có vai trò gì trong việc chuyển nhượng cổ phần thấp hơn giá thực tế nên đề nghị HĐXX tuyên bị cáo này không tham ô tài sản.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.
7 đồng phạm của Trịnh Xuân Thanh gồm những ai:
1. Nguyễn Ngọc Sinh (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc PVP Land)
2. Đào Duy Phong (59 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land)
3. Đinh Mạnh Thắng (55 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà)
4. Lê Hòa Bình (63 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty 1/5)
5. Nguyễn Thị Kim Thoa (52 tuổi, đang mang án chung thân do có liên quan đến vụ án khác, nguyên kế toán trưởng công ty 1/5)
6. Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (45 tuổi, ở TP.HCM, kinh doanh tự do)
7. Thái Kiều Hương (44 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vietsan)
Theo Nhóm Phóng Viên (Tri Thức Trực Tuyến)