Em trai ông Đinh La Thăng nói về cáo buộc tham ô 5 tỷ
Chiều 25/1, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bước sang phần tranh luận.
Đại diện VKS cho rằng: Ngày 10/2/2010, Trịnh Xuân Thanh đã có cuộc họp chỉ đạo về việc tiếp tục thực hiện đầu tư, triển khai dự án Nam Đàn Plaza. Tại cuộc họp này, Trịnh Xuân Thanh nắm rõ các thông tin về dự án, trong đó giá trị sử dụng đất là 25 triệu USD (tương đương khoảng 52 triệu đồng/m2).
Nhưng vào tháng 3/2010, sau khi có cuộc gặp với em trai ông Đinh La Thăng là bị cáo Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Dầu khí Sông Đà) và Thái Kiều Hương (nguyên Phó TGĐ công ty cổ phần đầu tư Vietsan) tại một nhà hàng ở Tây Hồ, Hà Nội, Thanh đã gọi điện hỏi Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land) về khách đến mua cổ phần.
Theo lời khai của Phong, sau đó bị cáo Thắng đã gọi điện nói Hương sẽ đưa khách đến gặp Phong. Tại buổi gặp này, Hương cho Phong biết, đã thống nhất với Trịnh Xuân Thanh và Thanh chỉ đạo giá bán đất dự án Nam Đàn Plaza cao hơn giá thể hiện trong hợp đồng.
Phần chênh lệch Phong sẽ được nhận 10 tỷ đồng, phần còn lại Hương sẽ có trách nhiệm đưa cho Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng.
Đại diện VKS cho rằng, sau khi Thanh gật đầu bán cổ phần, khi gặp Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5, công ty cổ phần Minh Ngân), Thanh có hỏi Bình đã ký hợp đồng chưa. Lúc này Thanh nói, nếu Phong và Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên TGĐ PVP Land) không ký hợp đồng thì sẽ cách chức. Đến ngày 7/4/2010, Trịnh Xuân Thanh được chuyển cho chiếc vali kéo chứa 14 tỷ đồng.
Đại diện VKS kết luận: Trịnh Xuân Thanh chính là người đã quyết định và chỉ đạo cho chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần của PVP Land tại công ty Xuyên Thái Bình Dương cho Lê Hòa Bình với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực của dự án (52 triệu đồng/m2) để chiếm đoạt tiền chênh lệch. Trịnh Xuân Thanh đã được chia hưởng 14 tỷ đồng từ số tiền chênh lệnh đó.
Lời bào chữa của luật sư
Bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, luật sư Trần Hồng Phúc đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Thanh không phạm tội tham ô tài sản. Luật sư cho rằng, trong vụ án này, xác định tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt là không đúng.
"Nhà nước cụ thể ở đây là PVN có 87% vốn. Sau đó PVC góp vốn 28% vào PVP Land. Tiếp đó, PVP Land lại mang tiền đi góp vào công ty Xuyên Thái Bình Dương. Vậy tiền của Nhà nước là ở đâu?", lời luật sư Phúc.
Vẫn theo quan điểm của luật sư Phúc, trong câu chuyện này, cần mổ xẻ vấn đề liên quan đến vốn và tài sản nhà nước. Tài sản của PVC đã thành tài sản của PVP Land. Khi tài sản của PVP Land mang đến công ty Xuyên Thái Bình Dương để góp vốn thì nó thành tài sản của công ty Xuyên Thái Bình Dương.
Nếu xác định bị cáo Thanh chiếm đoạt tài sản thì là chiếm đoạt tài sản của PVP Land tại công ty Xuyên Thái Bình Dương, không phải là tiền của Nhà nước. Nhà nước không có quyền chi phối doanh nghiệp đó thì không có tội tham ô tài sản.
Luật sư Phúc đưa ra quan điểm cho rằng, việc truy tố bị cáo Thanh không thỏa mãn dấu hiệu của tội tham ô tài sản. Dấu hiệu tội này phải là người có quyền hạn trong tổ chức, cơ quan nhà nước; phải là người có chức vụ quyền hạn, có trách nhiệm quản lý tài sản.
"Bị cáo Trịnh Xuân Thanh khi đó là Chủ tịch HĐQT của PVC, không được giao công vụ gì ở PVP Land để nói rằng Thanh lợi dụng chức vụ của mình để chiếm đoạt tài sản", luật sư nói.
Theo T.Nhung (VietNamNet)