Sáng ngày làm việc thứ 6 (13-1) phiên toà xét xử các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) là phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo Ninh Văn Quỳnh, Vũ Đức Thuận.
Luật sư: Sai phạm là xuất phát từ động cơ tích cực
Trong bài bào chữa cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên kế toán trưởng PVN, bị đề nghị mức án 10-11 năm tù), luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng, tại thời điểm xảy ra các hành vi vi phạm, các bị cáo chịu áp lực rất lớn của Chính phủ đối với công trình trọng điểm quốc gia là Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Theo luật sư, các bị cáo đã phải đẩy nhanh tiến độ, làm nhanh mọi việc, dẫn đến có những sai sót.
"Có phải vì nôn nóng trước công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa thay vì lợi ích nhóm mà các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN), Ninh Văn Quỳnh đã chuyển tiền cho PVC hay không?", luật sư Quang đặt câu hỏi.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh là người đã thừa nhận những sai phạm của mình trong việc thừa hành các mệnh lệnh từ cấp trên. Luật sư chỉ ra rằng khi xảy ra vụ việc, PVN đang chịu áp lực của việc phải đẩy nhanh tiến độ dự án. Khi đó, bị cáo Đinh La Thăng là chủ tịch HĐTV đã có những chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo tiến độ khởi công và xây dựng nhà máy.
"Anh Thăng chỉ đạo rằng công trình là trọng điểm quốc gia nên phải làm nhanh cho kịp tiến độ" - luật sư trích bút lục lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên phó tổng giám đốc PVN) về sự sốt sắng, nôn nóng của ông Đinh La Thăng với việc triển khai dự án.
Đồng thời luật sư phân tích: "Với tính cách của ông Thăng, khi ông yêu cầu phải chuyển tiền tạm ứng cho PVN thì cấp dưới phải thực hiện ngay, bởi với một người thẳng thắn như vậy, nếu không làm thì có thể bị thay đổi vị trí ngay".
Do vậy, luật sư tiếp tục lập luận, khi có chỉ đạo, dù chỉ là mệnh lệnh bằng miệng của ông Đinh La Thăng, cấp dưới buộc phải thực hiện. Việc ông Nguyễn Xuân Sơn thừa hành chỉ đạo của ông Thăng rồi ông Sơn chỉ đạo lại bị cáo Ninh Văn Quỳnh là "chỉ mong muốn dự án sớm được triển khai".
Bởi vậy, những sai phạm của bị cáo là xuất phát từ động cơ tích cực, luật sư khẳng định.
Liên quan đến vấn đề thiệt hại của vụ án, luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng, bản kết luận giám định hiện nay còn gây nhiều tranh cãi, vụ án được đẩy tiến độ điều tra, truy tố xét xử quá nhanh đến nỗi nguyên đơn dân sự vẫn chưa xác định được thiệt hại của mình, khiến VKS phải căn cứ vào biên bản giám định thiệt hại.
Nhận định rằng phương pháp giám định thiệt hại này đang gây nhiều tranh cãi giữa luật sư với các giám định viên, luật sư Quang đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung và xác định lại thiệt hại của vụ án.
Nếu PVN thiệt hại thì PVC phải bồi thường
Bào chữa cho bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên tổng giám đốc PVC, bị đề nghị mức án 26-28 năm tù cho 2 tội "Cố ý làm trái" và "Tham ô tài sản"), luật sư Hoàng Anh Tuấn lưu ý việc thân chủ của mình đã "sớm thừa nhận hành vi và khắc phục hậu quả". Ông Thuận cũng đã tự bồi thường thiệt hại.
Theo cáo trạng, bị cáo Vũ Đức Thuận bị truy tố bởi 2 tội. Đối với tội tham ô tài sản, ông Thuận được cho là người chỉ đạo lập quỹ ban điều hành để lấy tiền đi đối ngoại. Cáo trạng khẳng định việc đối ngoại là có diễn ra trên thực tế ở PVC.
Đối với việc liên đới chịu trách nhiệm về số tiền thiệt hại 119 tỉ đồng, luật sư cho rằng lúc đó ông Thuận đang giữ vai trò tổng giám đốc, là người đại diện theo pháp luật của PVC, ông Thuận thực hiện công việc là theo lợi ích của pháp nhân.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, nếu người đại diện theo pháp luật gây ra thiệt hại thì PVC phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó.
"Nếu PVN có đơn yêu cầu bồi thường thì bị đơn trong vụ việc này là PVC. Đề nghị quý viện [Viện kiểm sát] có quan điểm về việc này, bởi quan điểm buộc tội rằng các bị cáo phải có liên đới bồi thường là không phù hợp với Bộ luật Dân sự", luật sư Tuấn nói.
Tại phiên toà này, các luật sư được HĐXX tạo điều kiện thoải mái về mặt thời gian để trình bày luận cứ theo nhóm, bào chữa dứt điểm từng bị cáo. Phía các luật sư cũng đề nghị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại toà tranh luận đến cùng với những luận cứ mà luật sư đưa ra.
Theo Hoàng Điệp (Tuổi Trẻ)