Người mang án tử hầu tòa vụ Trịnh Xuân Thanh
Sáng 13/1, phiên xử sơ thẩm 22 bị cáo liên quan đến vụ án Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bước sang ngày thứ 6.
Nguyễn Xuân Sơn không biết những thiếu sót trong hợp đồng EPC?
Luật sư Lê Đình Ứng, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là người đầu tiên trình bày quan điểm về bản luận tội và mức án do VKSND đề nghị. Bị cáo này bị cơ quan công tố đề nghị mức án 10-11 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cáo trạng nêu ông Sơn biết rõ hợp đồng EPC số 33 ký trái quy định nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo Ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ trái mục đích gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng. Ông Ứng cho rằng thân chủ của mình không biết những thiếu sót của hợp đồng EPC.
Người bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn nói chủ trương thành lập dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 được thành lập trước khi bị cáo 56 tuổi về PVN. Ngoài ra, dự án nhiệt điện Thái Bình 2 được ban giám đốc tập đoàn phân công Phó giám đốc chuyên trách là ông Nguyễn Quốc Khánh trực tiếp theo dõi. Danh sách ban chỉ đạo dự án điện than do HĐTV PVN thành lập cũng không có tên ông Sơn.
Với các căn cứ đã nêu, luật sư nhận định các văn bản, thông tin về nội dung hợp đồng EPC số 33 không được cấp dưới báo cáo ông Nguyễn Xuân Sơn. Theo ông Ứng, bị cáo Sơn không biết hợp đồng đã ký thiếu cơ sở pháp lý.
Về việc chỉ đạo Bản quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 tạm ứng tiền cho PVC - công ty do Trịnh Xuân Thanh điều hành - luật sư cho rằng thân chủ của ông chỉ thực hiện theo quyền được phân công. Theo quy định, các dự án trọng điểm như nhiệt điện Thái Bình 2, việc cấp vốn thực hiện theo kế hoạch cấp được HĐQT PVN phê duyệt. Ban quản lý dự án có trách nhiệm thay mặt tập đoàn quản lý, sử dụng tiền theo quy định hiện hành.
Trích dẫn một số văn bản gửi đi, luật sư Ứng nói ông Sơn luôn nhắc nhở, yêu cầu Ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật. "Tiền tạm ứng thực chất là chuyển két nọ sang két kia thuộc tập đoàn, trách nhiệm sử dụng thuộc Ban quản lý dự án", người bào chữa cho rằng bị cáo Sơn đã thực hiện đúng vai trò người quản lý tài chính.
Giống các luật sư trình bày trước đó, ông Ứng yêu cầu HĐXX xem xét căn cứ, phương pháp giám định thiệt hại khoản tiền 1.100 tỷ đồng PVC sử dụng sai mục đích. Trong trường hợp phát sinh thiệt hại thì trách nhiệm thuộc công ty con là PVC, không thuộc PVN.
'Vi phạm quy định pháp luật nhưng không có động cơ xấu'
Luật sư Đỗ Ngọc Quang (bào chữa cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh, Lê Đình Mậu) cũng cho rằng kết quả xác định giám định chưa rõ ràng, khách quan. PVN không phải tổ chức cho vay lấy lãi nên không thể lấy mức lãi suất để áp dụng tính thiệt hại. Ông Quang yêu cầu trả hồ sơ bổ sung để điều tra làm rõ.
Với cáo buộc bị cáo Ninh Văn Quỳnh phạm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, luật sư Quang nói nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban tài chính - kế toán Tập đoàn PVN vi phạm quy định pháp luật nhưng không có động cơ xấu. Quá trình điều tra, xét xử bị cáo luôn thành khẩn, tạo điều kiện để cơ quan tố tụng điều tra vụ án. Trường hợp xác định bị cáo Quỳnh phạm tội như quy kết của cơ quan tố tụng, luật sư mong HĐXX áp dụng khung hình phạt thấp nhất cho bị cáo này.
Về trường hợp Lê Đình Mậu (nguyên Phó trưởng ban kế toán và kiểm toán PVN), luật sư nói qua nghiên cứu hồ sơ đã nhận định bị cáo này không thể biết việc cấp vốn thiếu căn cứ pháp lý. Ông Quang mong đại diện VKS trong phần tranh luận sẽ đưa ra bằng chứng cho thấy bị cáo Mậu nắm rõ tình trạng pháp lý của hợp đồng EPC số 33 nhưng cố ý làm trái quy định.
Ngoài ra, luật sư cho rằng việc ông Mậu ký vào 6 giấy ủy nhiệm là thực hiện theo ủy quyền trong thời gian Kế toán trưởng đi công tác. Các thủ tục này đã được lãnh đạo tập đoàn phê duyệt. Người bào chữa đề nghị cho bị cáo này được hưởng án treo.
Luật sư: Vũ Đức Thuận tự khai hành vi tham ô trước khi bị khởi tố
Tham gia bào chữa cho bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC), luật sư Hoàng Anh Tuấn đề nghị HĐXX bổ sung 3 tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ vì trước khi bị khởi tố, bị cáo này đã tự khai ra hành vi Tham ô và yêu cầu gia đình khắc phục 800 triệu.
Ông Tuấn cho rằng cần coi việc này như người phạm tội tự thú để áp dụng tình tiết giảm nhẹ để lượng hình. Ngoài ra, gia đình bị cáo Thuận có công với cách mạng, thời điểm phạm tội tình hình tài chính PVC mất thanh khoản cần áp tình tiết người phạm tội thực hiện hành vi trong hoàn cảnh khó khăn để xem xét.
Trước cáo buộc của VKS cho rằng Thuận chỉ đạo lập hồ sơ khống để tham ô tài sản, luật sư nói cáo trạng không có dòng nào thể hiện cụ thể việc này. Tài liệu cơ quan tố tụng chỉ xác định bị cáo Thuận chỉ đạo rút tiền của đơn vị làm ăn có lãi, do đó bị cáo không biết việc lập hồ sơ khống. Ông Tuấn đề nghị xác định rõ vai trò của Vũ Đức Thuận trong vụ án để có mức hình phạt phù hợp.
Về hành vi Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, luật sư cho rằng trong số 1.100 tỷ đồng PVC sử dụng sai mục đích có hơn 760 tỷ bị ngân hàng khấu trừ nợ. Số tiền này PVC không cố ý chi tiêu ngoài dự án nhiệt điện Thái Bình 2 nên cần tách riêng để xác định mức thiệt hại đúng thực tế.
Ngoài ra, theo quan điểm luật sư, Vũ Đức Thuận nhân danh pháp nhân và lợi ích pháp nhân là PVC để hành động có lợi cho công ty. Bị cáo này không có động cơ vụ lợi nên PVC phải chịu thiệt hại do người đại diện gây ra. Dẫn chứng một số vụ án xảy ra trước đây, ông Hoàng Anh Tuấn nói nếu nguyên đơn dân sự PVN có đơn đề nghị bồi thường thiệt hại thì bị đơn dân sự là PVC phải có trách nhiệm. Luật sư đề nghị xem xét trách nhiệm bồi thường của thân chủ trong việc liên đới khoản thiệt hại 119 tỷ.
Theo Nhóm PV (Tri Thức Trực Tuyến)