Lừa đảo bằng thủ đoạn giả mạo khách sạn, homestay ở Ninh Bình

13/11/2024 18:08:43

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang xuất hiện các đối tượng sử dụng các thủ đoạn nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của du khách có nhu cầu lưu trú bằng cách lập các trang mạng xã hội giả mạo các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay hòng chiếm đoạt tài sản của du khách.

Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách bốn phương, theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2024, ước tính đã có trên 7,6 triệu lượt khách đến với Ninh Bình, tăng 30,86% so với cùng kỳ năm trước.

Lừa đảo bằng thủ đoạn giả mạo khách sạn, homestay ở Ninh Bình
Các đối tượng giả mạo cơ sở khách sạn, homestay

Cùng với đó, hệ thống cơ sở dịch vụ lưu trú trên địa bàn cũng đã không ngừng được đầu tư mạnh mẽ, đa dạng cả về số lượng và chủng loại với hơn 800 cơ sở, đáp ứng tốt nhu cầu lưu trú của khách du lịch.

Mặt khác, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc đặt phòng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ, homestay… trực tuyến càng trở nên phổ biến vì tính tiện lợi và nhanh chóng đối với khách du lịch…

Tuy nhiên, lợi dụng tình hình đó, một số đối tượng đã sử dụng các thủ đoạn nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của du khách có nhu cầu lưu trú bằng cách lập các trang mạng xã hội giả mạo các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay hòng chiếm đoạt tài sản của du khách…

Lừa đảo bằng thủ đoạn giả mạo khách sạn, homestay ở Ninh Bình - 1
Ninh Bình là điểm đến của nhiều du khách trong những năm gần đây

Theo đó, các đối tượng lừa đảo sẽ lập ra các trang Web, Fanpage… có giao diện gần giống trang Web, Fanpage của các khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng… có uy tín, sử dụng số điện thoại đường dây nóng để liên hệ, tư vấn cho du khách và gửi kèm nhiều hình ảnh đẹp, có nhận xét của khách hàng khác nhằm gia tăng mức độ uy tín để tạo niềm tin với du khách.

Sau khi đã chiếm được lòng tin của du khách, đối tượng sẽ yêu cầu du khách chuyển tiền đặt cọc trước với lý do khách sạn, nhà nghỉ quá tải, nếu không đặt trước sẽ không giữ được phòng, đến khi du khách vì thiếu cảnh giác, đề phòng chuyển tiền đặt cọc cho đối tượng hoặc thanh toán tiền phòng, tiền ăn cho đối tượng thì chúng sẽ cắt đứt liên lạc với du khách.

Do đó, để tránh bị lừa đảo bằng hình thức trên, du khách trước khi lựa chọn đặt phòng khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng, homestay…cần tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch hoặc đặt phòng du lịch có sẵn trên các ứng dụng, cần hết sức cảnh giác với những lời mời chào đặt phòng giá quá rẻ, thấp hơn giá thị trường 20%-50%.

Sau khi đã kiểm tra chính xác thông tin liên hệ, cần tìm hiểu kỹ chính sách đặt, hủy phòng; yêu cầu khách sạn chuyển thông tin xác nhận đặt phòng, ngoài ra có thể đề nghị cơ sở cung cấp dịch vụ cho xem các Giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ tại địa phương.

Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý các vụ việc trên, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch cũng nên tăng cường cung cấp thông tin chính thống của doanh nghiệp mình rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội để du khách biết và liên hệ đặt phòng hoặc sử dụng các dịch vụ khác.

Đồng thời khi phát hiện các trang WEB, Fanpage giả mạo… cần báo ngay cho Cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Theo Thanh Phương (Công Lý)