Ngày 17/5, Cơ quan CSĐT (C03-Bộ Công an) khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Hoa Công Hậu (60 tuổi), cựu Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh để điều tra về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ông Hậu, có 8 bị can khác thuộc Sở Y tế và công ty liên quan bị khởi tố.
Theo Bộ Công an, các bị can trên đã có hành vi vi phạm các quy định về bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng tài sản nhà nước.
Trước ông Hoa Công Hậu, hàng loạt lãnh đạo Sở Y tế ở các tỉnh, thành phố bị khởi tố, bắt tạm giam về cùng hành vi vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Mới đây nhất, ngày 29/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, lệnh bắt tạm giam ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh truy nã đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty AIC.
Lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai bị bắt liên quan đến vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế và các đơn vị liên quan. Cơ quan điều tra xác minh dấu hiệu sai phạm trong việc thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Kết quả điều tra đến nay xác định dự án trên được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt điều chỉnh đầu tư tại quyết định số 1872/QĐ-UBND ngày 21/7/2010 với tổng mức đầu tư 1.904 tỷ đồng, giao Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Trong quá trình lập hồ sơ điều chỉnh dự án, hồ sơ đấu thầu 12 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế thuộc dự án trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015, các cán bộ thuộc: Chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC; đơn vị tư vấn lập dự án, lập hồ sơ mời thầu, chấm thầu; Đơn vị Thẩm định giá đã thông đồng, nâng khống giá trị trang thiết bị trong điều chỉnh tổng mức đầu tư và giá gói thầu, thông thầu, gian lận trong đấu thầu, vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu để Công ty AIC trúng 12 gói thầu với tổng giá trị 476,87 tỷ đồng, gây thiệt hại tài sản nhà nước, bước đầu xác định là 152 tỷ đồng.
Đầu năm 2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cùng lúc khởi tố bị can đối với Giám đốc và cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ để điều tra về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Cao Minh Chu, Giám đốc và bà Bùi Thị Lệ Phi, nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ bị khởi tố để điều tra hành vi nêu trên.
Theo Bộ Công an, nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi và các bị can trên đã có hành vi không công bằng, minh bạch trong đấu thầu gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước.
Tại Sơn La, vào tháng 3/2021, Công an tỉnh này ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Kim An (52 tuổi) cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh này) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan điều tra cáo buộc bà An cùng bị can Sa Văn Khuyên (cựu Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh này) và 3 người khác có sai phạm trong khi thực hiện gói thầu mua sắm trang bị y tế tuyến xã, tuyến cơ sở y tế.
Theo cơ quan công an, nhiều danh mục hàng hóa, thiết bị y tế liên quan vụ án không đúng với danh mục trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và hợp đồng đã ký, gây thiệt hại ngân sách của nhà nước
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2017.
Theo đó, người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100 đến dưới 300 triệu hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu;
Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép.
Nếu phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 đến 12 năm: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300 đến dưới 1 tỷ đồng. Vẫn theo luật sư Hải, nếu người nào phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 đến 20 năm.
Điều 222 Bộ luật Hình sự cũng quy định, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như vậy, đối với vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.
Theo Đoàn Bổng (VietNamNet)