Lãnh đạo Tân Thuận IPC đã đối phó, cản trở cơ quan thanh tra như thế nào?

16/05/2019 14:16:41

Khi cơ quan Thanh tra vào cuộc, các công ty thành viên của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (tên viết tắt là IPC) lập tức báo cáo rằng đã thu hồi hoặc mua lại toàn bộ cổ phần đã bán cho tư nhân; còn đối tác của IPC trong vụ bán dự án cũng nhanh chóng hoàn lại tiền…

Sáng 16/5, một lãnh đạo Thanh tra TPHCM cho Tiền Phong biết, quá trình thanh tra làm rõ các dấu hiệu sai phạm tại công ty IPC và một số công ty thành viên, đoàn thanh tra đã gặp rất nhiều khó khăn bởi các chiêu thức đối phó, cản trở vô cùng …tinh quái từ lãnh đạo IPC.

Cụ thể: Trong vụ “hợp tác” thực hiện dự án tái định cư ở Long Hậu (tỉnh Long An), Thanh tra TPHCM cho hay thực chất là IPC bán dự án cho Hồng Lĩnh. Toàn bộ diện tích mà IPC được duyệt là hơn 60.000 m2 dành để tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi 2 dự án Khu công nghiệp Long Hậu (do công ty cổ phần Long Hậu làm chủ đầu tư) và Khu dân cư Long Hậu.

Lãnh đạo Tân Thuận IPC đã đối phó, cản trở cơ quan thanh tra như thế nào?
Vì gây khó khăn cho công tác thanh tra, tháng 10/2018, ông Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc công ty IPC đã bị Chủ tịch UBND TPHCM đình chỉ công tác

Năm 2006, IPC ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Hồng Lĩnh, theo đó Hồng Lĩnh sẽ hoàn trả cho IPC toàn bộ chi phí bồi thường và chi phí ban đầu theo sổ sách khi đầu tư vào dự án trên. Đổi lại, công ty Hồng Lĩnh tiếp tục thực hiện dự án và toàn quyền khai thác kinh doanh. IPC được mua lại nền tái định cư từ công ty Hồng Lĩnh với giá 630.000 đồng/m2 cho toàn bộ hơn 60.000 m2 trên.

Điều đáng nói, IPC phải mua đất nền tái định cư giá cao (630.000 đồng/m2) nhưng bán lại giá thấp (từ 398.000 đồng/m2 đến 564.000 đồng/m2) để bố trí cho 100% nhu cầu tái định cư từ dự án Khu công nghiệp Long Hậu.

Còn công ty Hồng Lĩnh dù chưa giao đủ đất tái định cư cho IPC, chưa hoàn thiện hạ tầng như đã cam kết nhưng vẫn hưởng lợi khủng bằng cách bán ra thị trường nhiều nền đất thương mại với giá từ 700.000 đồng/m2 đến 4,5 triệu đồng/m2.

Tháng 8/2018, khi Thanh tra TPHCM chính thức vào cuộc, công ty Hồng Lĩnh mới trả lại cho IPC hơn 69 tỉ trong tổng số 150 tỉ đồng tiền mua nền đất tái định cư.  Còn công ty Long Hậu trả hơn 74 tỉ đồng.

Lãnh đạo Tân Thuận IPC đã đối phó, cản trở cơ quan thanh tra như thế nào? - 1
Trụ sở công ty Sadeco

Kết luận thanh tra sau đó đã chỉ ra công ty Long Hậu là pháp nhân độc lập, lẽ ra IPC phải bán nền đất tái định cư theo giá thị trường. IPC đã thiếu trách nhiệm quản lý, kiểm soát dẫn đến thiệt hại tài chính vì để cho hai công ty Long Hậu và Hồng Lĩnh chiếm dụng vốn thời gian dài.

Trong phi vụ chỉ định công ty Nguyễn Kim làm “đối tác chiến lược” trái quy định và sau đó bán rẻ như cho 9 triệu cổ phiếu của công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) cho Nguyễn Kim, tiếp tay doanh nghiệp này thâu tóm “con gà đẻ trứng vàng” Sadeco, khi mọi việc sắp bị phơi bày, lãnh đạo IPC bèn đối phó bằng chiêu thức “đã khắc phục hậu quả” để xin được bỏ qua.  

Cụ thể: Cuối tháng 8/2018, sau khi Thanh tra TPHCM vừa vào cuộc, công ty Sadeco lập tức báo cáo cho Đoàn Thanh tra việc công ty này đã thu hồi 9 triệu cổ phiếu bán cho công ty Nguyễn Kim. 

Tương tự: Công ty cổ phần cảng Hiệp Phước, một thành viên của IPC dù “đang ăn nên làm ra” vẫn bán ra 20 triệu cổ phiếu cho công ty Tuấn Lộc - cổ đông chiến lược được chỉ định với giá 15.000 đồng/cổ phiếu nhằm nâng tỷ lệ sở hữu vốn của Tuấn Lộc và giảm tỉ lệ sở hữu vốn của IPC còn hơn 40%. Sau khi Thanh tra TPHCM vào cuộc, các khuất tất sắp bị phanh phui thì công ty Hiệp Phước báo cáo đã mua lại toàn bộ 20 triệu cổ phiếu đã bán cho công ty Tuấn Lộc.

Lãnh đạo Tân Thuận IPC đã đối phó, cản trở cơ quan thanh tra như thế nào? - 2
Cảng Hiệp Phước (Nhà Bè)

Theo lãnh đạo Thanh tra TPHCM, những việc làm trên của IPC, Sadeco và công ty Hiệp Phước là có dấu hiệu đối phó, cản trở hoạt động thanh tra.

Do đó, tháng 10/2018, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc IPC và chỉ đạo Thanh tra TPHCM chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an TPHCM làm rõ hành vi sai phạm của các tập thể, cá nhân liên quan. 

Đến ngày 14 và 15/5, ông Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc IPC và bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc công ty Sadeco mới chính thức bị Cơ quan CSĐT Công an TPHCM khởi tố bị can và bắt tạm giam.

Theo Huy Thịnh (Tiền Phong)

Nổi bật