Ngày 14/5, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP.HCM) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC). Ông Dũng bị khởi tố về 2 tội danh: Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Năm 2015, ông Tề Trí Dũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (viết tắt là IPC, trực thuộc UBND TP) khi mới 34 tuổi. Trong các năm tiếp theo, dưới sự lèo lái của ông Dũng, Công ty IPC đã khiến cho tài sản Nhà nước bị thất thoát sau những phi vụ chuyển nhượng khó hiểu.
Gây thiệt hại trên 153 tỷ
IPC có 9 công ty gồm 1 công ty con là Công ty CP tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) và 4 công ty liên doanh: Công ty TNHH Sepzone Linh Trung, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, Công ty TNHH cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT), Công ty CP thương mại - dịch vụ Hiệp Tân (HTC). 4 công ty liên kết còn lại là: Công ty CP Long Hậu (LHG), Công ty CP KCN Hiệp Phước (HIPC), Công ty TNHH Tân Thuận (TTC) và Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).
Hồi tháng 10/2018, Thanh tra TP.HCM đã có kết luận thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm xảy ra ở Công ty IPC. Đến ngày 3/4/2019, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có kết luận về kết quả xử lý sau thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty Tân Thuận).
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo chủ tịch hội đồng thành viên, người đại diện theo pháp luật của Công ty Tân Thuận, phải xem xét xử lý trách nhiệm về mặt chính quyền đối với các cá nhân có liên quan đến những sai phạm đã nêu tại kết luận thanh tra theo phân cấp quản lý cán bộ sau khi kiểm điểm.
Năm 2015, Công ty Sadeco có vốn điều lệ 170 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận rất cao, tỷ lệ chia cổ tức hằng năm có thời điểm lên đến 40%. Vào năm 2015 khi duyệt đề án tái cơ cấu, UBND TP yêu cầu IPC (lúc này đang chiếm tỷ lệ sở hữu vốn 44% tại Sadeco) không cần phải giảm thêm tỷ lệ sở hữu vốn, nhất là trong bối cảnh công ty mang về lợi nhuận rất cao.
Dù vậy, vào tháng 6/2017, IPC lại biểu quyết tăng vốn điều lệ Sadeco bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại Công ty Sadeco từ 44% xuống còn 28,8%. Sau phát hành cổ phiếu, Công ty Nguyễn Kim chiếm 34,6% vốn điều lệ Công ty Sadeco.
Việc phát hành cổ phiếu không chỉ khiến cho tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại Công ty Sadeco giảm mà còn gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Cụ thể, Thanh tra TP.HCM xác định vào tháng 9/2016, Công ty Exim chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim là 57.000 đồng/cổ phiếu nhưng đến tháng 6/2017, Công ty Sadeco chuyển nhượng cho Công ty Nguyễn Kim với giá chỉ có 40.000 đồng/cổ phiếu.
Cơ quan thanh tra tính toán trong thương vụ chuyển nhượng 9 triệu cổ phiếu này, chỉ riêng phần chênh lệch 17.000 đồng/cổ phiếu thì thiệt hại thấp nhất đã là 153 tỷ đồng. Còn nếu tính luôn cả biến động giá đất tăng vào đầu năm 2017 ở khu nam khi thành phố sốt đất thì số tiền thiệt hại còn nhiều hơn nữa.
Thanh tra TP.HCM nhận định việc phát hành cổ phần tăng vốn để bán chỉ định cho một cổ đông (là Công ty Nguyễn Kim) mà không qua đấu giá là không đảm bảo pháp lý thẩm định giá, không thể hiện tính công khai, minh bạch... Hậu quả là cổ đông nhà nước mất quyền chi phối, lợi ích của Công ty Sadeco và của cổ đông nhà nước bị thiệt hại.
Điều đáng chú ý là sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì IPC và Sadeco tìm cách đối phó. Cụ thể, ngày 29/8/2018, Công ty Sadeco và Công ty Nguyễn Kim có biên bản làm việc với nội dung Công ty Nguyễn Kim sẽ hoàn trả tất cả 9 triệu cổ phần cho Công ty Sadeco. Ngày hôm sau, HĐQT Công ty Sadeco đã thông qua việc thu hồi cổ phần đã phát hành cho Công ty Nguyễn Kim.
Thanh tra TP.HCM đánh giá việc làm này của IPC và Sadeco trong quá trình thanh tra là xem thường kỷ luật, kỷ cương, có dấu hiệu đối phó, gây trở ngại cho hoạt động thanh tra.
Đụng đâu sai đó
Bên cạnh đó, Thanh tra TP.HCM cũng đã xác định IPC có sai phạm ở một số dự án khác. Đơn cử như tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Hiệp Phước 1 (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè), IPC được giao làm chủ đầu tư với số vốn hơn 4.200 tỉ đồng. Dù mục tiêu được duyệt là xây dựng nhà ở phục vụ chương trình tái định cư nhưng IPC lại bàn giao đất nền.
Còn tại dự án khu dân cư Long Hậu (Long An) với quy mô diện tích 20 ha, cơ quan thanh tra kết luận việc IPC thỏa thuận hợp tác với Công ty CP đầu tư xây dựng giao thông Hồng Lĩnh “trái quy định pháp luật”.
Theo nội dung hợp đồng hợp tác, Công ty Hồng Lĩnh sẽ hoàn trả cho IPC toàn bộ chi phí bồi thường, chi phí ban đầu mà IPC đã đầu tư theo giá trị sổ sách. Công ty Hồng Lĩnh đầu tư xây dựng dự án, quản lý và chuyển nhượng các sản phẩm của dự án còn IPC được mua nền phục vụ tái định cư. Đối với phần diện tích còn lại, Công ty Hồng Lĩnh được toàn quyền kinh doanh.
Điều oái ăm là sau hợp đồng này, IPC là chủ đầu tư nhưng lại phải đi mua lại nền đất từ Công ty Hồng Lĩnh ngay trên trên khu đất mà IPC được giao làm chủ đầu tư. Thanh tra TP.HCM xác định việc hợp tác này thực chất là chuyển nhượng dự án “trái quy định pháp luật” vì không được cơ quan có thẩm quyền cho phép và gây thiệt hại vốn Nhà nước.
Còn trong việc huy động vốn, Thanh tra TP.HCM chỉ ra việc Công ty Tân Thuận hoạt động kinh doanh có lợi nhuận nhưng lại đi vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách và nhằm tạo quan hệ tín dụng với ngân hàng là không phù hợp, làm phát sinh khoản lãi vay hơn 8 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng tòa nhà văn phòng IPC. IPC chỉ sử dụng một phần tòa nhà còn lại cho 81 đơn vị thuê làm văn phòng. Tổng doanh thu cho thuê từ năm 2010 đến năm 2017 là hơn 295 tỷ đồng.
Đối với cá nhân ông Tề Trí Dũng, Thanh tra TP.HCM chỉ ra việc ông Dũng đại diện vốn Nhà nước tại 4 công ty có vốn đầu tư Nhà nước là vượt so với quy định.
Theo Nguyên An (Tri Thức Trực Tuyến)