TAND TP.HCM đã tuyên án 20 năm tù đối với Phạm Công Danh, Trầm Bê lĩnh 4 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại phiên tòa hôm 6/8.
Bên cạnh trách nhiệm hình sự, tòa cũng tuyên những cá nhân, tổ chức phải có trách nhiệm dân sự, bồi thường lại cho Ngân hàng Xây dựng (nay là CB). Trong đó có194 tỷ đồng ông Danh chuyển vào tài khoản của ông Trần Quý Thanh, HĐXX nhận định số tiền này có nguồn gốc từ tang vật của vụ án nên cần phải thu hồi, khắc phục hậu quả. HĐXX cũng buộc bà Hứa Thị Phấn hoàn trả CB hơn 600 tỷ đồng.
Tại những ngày xét xử, ông Trần quý Thanh và cả bà Hứa Thị Phấn đều không có mặt tại tòa dù được triệu tập với vai trò người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Vậy khi bản án có hiệu lực thì sẽ thu hồi các khoản tiền này như thế nào?
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho biết khi bản án có hiệu lực thi hành thì quy định chung sẽ thi hành án trên cơ sở tài sản của người phải thi hành án. Việc thi hành án được hay không phụ thuộc vào người phải thi hành án có tài sản hay không.
"Theo quy định, có thời gian cho người phải thi hành án tự nguyện thi hành. Nếu không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành bản án. Cơ quan này sẽ giải quyết, nếu cá nhân/tổ chức vẫn không thi hành thì cơ quan thi hành án sẽ cưỡng chế hoặc áp dụng các biện pháp khác để thi hành án", luật sư Vũ nói.
Theo đó, thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án (Khoản 1 Điều 45 luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014). Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh.
Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án (Khoản 2 Điều 45 luật Thi hành án dân sự).
Nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án. Các biện pháp có thể áp dụng để đảm bảo việc thi hành án như: Khấu trừ tiền trong tài khoản; Thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án; Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
Đồng quan điểm, luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng đối với những cá nhân có tài sản thì cơ quan thi hành án sẽ có biện pháp cưỡng chế nếu người đó không tự nguyện thi hành theo bản án có hiệu lực.
Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)