Như VietNamNet đã đưa, chiều 1/5, Phòng CSGT, Công an Hà Nội cho biết, sau khi xuất hiện video clip đăng tải trên mạng xã hội, ghi lại hình ảnh 1 phụ nữ đu bám bên cánh cửa ô tô đang chạy và bị hất văng xuống đường, đơn vị đã vào cuộc xác minh.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 13h50 ngày 1/5, tại đoạn nút giao từ đường Vành đai 3 qua cầu Thanh Trì nhập vào quốc lộ 5.
Hình ảnh trong video clip ghi lại, chiếc xe Mazda CX- 5 đang lưu thông theo hướng từ cầu Thanh Trì về Bắc Ninh thì đột ngột dừng xe bên lề đường.
Lúc này, một phụ nữ bám chặt vào cánh cửa bên phải vô-lăng, nhưng, tài xế tiếp tục tăng ga, lạng lách, hất người phụ nữ xuống đường.
Chạy được khoảng 30m, người phụ nữ ngã xuống đường, trong khi lái xe chạy tiếp về phía quốc lộ 5.
Theo Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, hành vi của người lái xe trong tình huống này sẽ bị phạt hành chính đến 12 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 tháng. Trường hợp nạn nhân bị thương tích từ 61% trở lên, lái xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư, chưa biết nguyên nhân sự việc thế nào, nhưng hành vi của người lái xe ô tô trong tình huống này có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật giao thông đường bộ khi lạng lách, đánh võng khiến người phụ nữ rơi xuống đường, bất chấp hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra.
Điều nguy hiểm hơn trong vụ việc này là người điều khiển chiếc xe ô tô có dấu hiệu cố ý muốn hất người phụ nữ xuống đường khi đã tăng ga, lạng lách, dù biết nạn nhân đang bám vào cửa xe bên phải.
Thực tế, người phụ nữ đã rơi xuống nhưng may mắn bánh sau xe ô tô không đè lên người. Trường hợp thiếu may mắn, nạn nhân bị bánh sau xe ô tô đè lên thì đây có thể xác định là hành vi làm chết người với lỗi vô ý hoặc cố ý gián tiếp.
Dù may mắn xảy ra, người phụ nữ này không bị thương tích nghiêm trọng, tính mạng được bảo toàn, nhưng hành vi của người lái xe trong tình huống này cũng hết sức nguy hiểm.
Luật sư cho rằng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người điều khiển chiếc Mazda CX- 5 để xác định mục đích của hành vi là gì, có nhận thức được nạn nhân có thể bị thiệt mạng hay không để xác định lỗi đối với hành vi vi phạm.
Trong một số tình huống, người lái xe do sợ hãi hoặc bực tức mà cố gắng chạy thoát chứ không có mục đích giết người thì có thể xem xét xử lý lỗi cố ý với hành hành vi vi phạm giao thông và vô ý đối với hậu quả xảy ra.
Để xử lý tình huống này, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi, nhận thức của người điều khiển chiếc xe ô tô này và đánh giá hậu quả thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội, để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
“Dù nguyên nhân là gì chăng nữa, hành vi của người điều khiển xe ô tô trong tình huống này cũng là hành vi nguy hiểm, hoàn toàn có thể gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Trong vụ việc này, hành vi của người phụ nữ cũng nguy hiểm cho bản thân. Nếu là chuyện mâu thuẫn tình cảm, không thể níu giữ bằng cơ bắp, sức mạnh được, mà phải dùng tình cảm, lý trí...”, lời Tiến sỹ Đặng Văn Cường.
Theo T.Nhung (VietNamNet)