Không bỏ tử hình với các tội tham nhũng

03/04/2015 10:45:45

Tham nhũng gây bức xúc, bất bình trong xã hội, Đảng và Nhà nước đang đặt quyết tâm cao đấu tranh phòng chống tham nhũng nên không thể bỏ án tử hình đối với loại tội phạm này.

Tham nhũng gây bức xúc, bất bình trong xã hội, Đảng và Nhà nước đang đặt quyết tâm cao đấu tranh phòng chống tham nhũng nên không thể bỏ án tử hình đối với loại tội phạm này.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội có nhiều quy định tiến bộ, chứa đựng chính sách hình sự phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới.

Dương Chí Dũng (trái, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải) và Mai Văn Phúc (nguyên vụ phó Vụ Vận tải) bị kết án tử hình trong "đại án" tham nhũng tại Vinalines - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ

Việc phi hình sự hóa hoặc hình sự hóa một hành vi tội phạm nào đó là chuyện bình thường trong quá trình phát triển của xã hội.

Một trong những định hướng cơ bản nhất của Bộ luật hình sự (sửa đổi) là giảm án tử hình, tăng phạt tiền, giảm phạt tù, tạo điều kiện để người phạm tội khắc phục tối đa hậu quả do mình gây ra.

Tuy nhiên, trong số 7/22 tội được đề nghị bỏ hình phạt tử hình, Chính phủ không đề xuất đối với các tội về tham nhũng.

Lý do, tội phạm tham nhũng gây bức xúc, bất bình trong xã hội, Đảng và Nhà nước ta đang đặt quyết tâm cao trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nên không thể bỏ án tử hình đối với loại tội phạm này.

Qua các cuộc hội thảo và thẩm tra mới đây của Ủy ban Tư pháp, đa số ý kiến đồng tình với quan điểm của Chính phủ.

PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, bình luận: “Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội nhận hối lộ, tội tham ô nhưng tôi cho rằng trong tình hình hiện nay thì chưa nên bỏ"

Theo ông Viễn, tội nhận hối lộ, tham ô là các tội phạm gây bất bình lớn trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín, hiệu lực trong bộ máy nhà nước, sự an nguy của chế độ, nếu không trừng trị bằng hình phạt nghiêm khắc nhất sẽ mất lòng tin của nhân dân vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Tuy nhiên, dự thảo luật cũng bổ sung quy định về việc không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.

Đó là trường hợp sau khi bị kết án tử hình, người bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Đây là quy định chung chứ không phải là riêng đối với nhóm tội phạm về tham nhũng. Về quy định này, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị cân nhắc thật kỹ.

Trong khi đó, thành viên ủy ban này, chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thành Bộ bày tỏ: “Về tội tham nhũng, lâu nay chúng ta nói rằng xử nặng mới đảm bảo răn đe, trừng trị, nhưng nhiều vụ không thu hồi được tài sản tham nhũng để trả lại Nhà nước.

Lần này tôi đề nghị quy định giảm nhẹ tội trong các trường hợp khắc phục hậu quả, nộp lại tài sản. Việc thu hồi tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả do tham nhũng gây ra cũng có ý nghĩa rất quan trọng”.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định thực tế trên thế giới cho thấy không cứ quy định hình phạt thật nặng thì hành vi ấy, tội phạm ấy trong xã hội sẽ giảm, mà vấn đề quan trọng nhất là tất cả kẻ phạm tội đều phải bị trừng trị.

“Như buôn bán ma túy, chúng ta phạt rất nặng nhưng mức độ buôn bán ma túy hiện nay vẫn không giảm.

Tôi đến Canada, người ta cho biết quốc hội của họ từng tranh luận rất căng thẳng, quyết liệt về việc bỏ hay không bỏ hình phạt tử hình, cuối cùng phải đưa ra trưng cầu ý dân. Cuối cùng Canada tổng kết lại thì họ thấy rằng từ khi bỏ hình phạt tử hình, tội phạm lại giảm hơn” - ông Lưu cho biết.
 
>> Ăn trộm dưới 5 triệu đồng không bị xử hình sự?

Theo Lê Kiên (Tuổi Trẻ)

Nổi bật