Nạn nhân của những vụ lừa đảo như trên cần hiểu rằng, nhiều khả năng, dữ liệu cá nhân của họ đã bị lộ, lọt vào tay bọn tội phạm, vì vậy không nên cả tin trước những cuộc gọi lạ.
Theo Bộ Công an, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân hiện đang diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô (thông tin khách hàng điện lực; chủ thuê bao điện thoại, Internet của các nhà mạng; thông tin khách hàng vay, gửi tiết kiệm ngân hàng; chứng khoán; bảo hiểm; thông tin hộ khẩu; thông tin khách hàng thuộc các lĩnh vực bất động sản, siêu thị, mua ô tô, xe máy...)
Bên cạnh đó, còn là hiện tượng mua bán dữ liệu cá nhân đã qua xử lý như thông tin chi tiết về các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, họ tên, ngày sinh, số CCCD, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng bao gồm cả số dư, thân nhân, chức vụ, vị trí công tác…
Thông tin từ Bộ Công an cho hay, Công ty VNG để lộ hơn 163 triệu tài khoản khách hàng; Công ty Thế giới di động và Điện máy xanh để lộ hơn 5 triệu email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán như Visa, thẻ tín dụng của khách hàng; tin tặc đã tấn công vào hệ thống máy chủ của Việt Nam Airline, đăng tải lên Internet 411.000 tài khoản khách hàng thành viên của chương trình Bông Sen Vàng; tình trạng để lộ thông tin khách hàng để các công ty môi giới dịch vụ taxi của Việt Nam sử dụng để mời chào khách hàng qua tin nhắn SMS...
Bộ công an chỉ ra rằng, thực trạng lộ thông tin cá nhân xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ dẫn tới nhiều phương thức thủ đoạn mới trong tấn công mạng, các lỗ hổng và thiếu hụt biện pháp phòng thủ mạng; dữ liệu cá nhân trở thành nguồn nguyên liệu quý giá cho các hoạt động kinh tế, có giá trị lợi nhuận cao, hấp dẫn tin tặc và các đối tượng phạm tội thực hiện hành vi đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân.
Về chủ quan, nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân còn hạn chế, sẵn sàng cung cấp thông tin đời tư để lấy sự tiện ích về công nghệ.
Với thực trạng buôn bán, xử lý dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay, việc không có chế tài xử lý hoặc chế tài xử lý không đủ mạnh, không đủ sức răn đe sẽ không giải quyết được tình hình.
Bộ Công an vừa mới dự thảo xong Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự kiến trình Quốc hội xem xét cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Dự thảo luật gồm 7 chương và 68 điều. Theo Bộ Công an, việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ quy phạm đầy đủ các nội dung bảo vệ dữ liệu cá nhân, các hành vi vi phạm quy định sẽ được căn cứ vào Luật để đề xuất các hình thức, biện pháp xử lý phù hợp.
Qua công tác đấu tranh, Bộ Công an phát hiện số lượng lớn dữ liệu bị lộ mất được tin tặc rao bán công khai trên các nền tảng, diễn đàn (BreachedForums, Telegram, Facebook). Các đối tượng rao bán hoạt động với độ ẩn danh cao, thủ đoạn hoạt động và phương thức thanh toán hoàn toàn bằng tiền mã hoá nên khó truy vết.
Theo T.Nhung (VietNamNet)