6 điều cần biết việc bác sĩ Hoàng Công Lương giữ quyền im lặng tại tòa
Như tin đã đưa, ngay đầu sáng ngày 17/5, HĐXX bất ngờ ra quyết định từ chối sự có mặt của BS Bùi Nghĩa Thịnh. Ông Thịnh được luật sư Nguyễn Văn Chiến đề nghị triệu tập với tư cách là nhà chuyên môn trả lời các vấn đề liên quan đến thận nhân tạo và hệ thống RO. Lý do HĐXX đưa ra là "không cần thiết".
Trong khi đó, theo các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo Hoàng Công Lương, họ cần sự góp mặt của chuyên gia (cụ thể ở đây là BS Bùi Nghĩa Thịnh) để góp phần làm rõ tình tiết, bản chất vụ án.
Sự thiếu vắng tiếng nói chuyên môn này dẫn đến chuyện trong phiên xử sáng 18/5, LS Trần Hồng Phúc đã phải "bất đắc dĩ" phỏng vấn một bác sĩ khác là nhân chứng của vụ án - BS Hoàng Công Tình. Ông Tình tuy là Phó khoa HSTC, nhưng là "người ngoài" với ngành thận nhân tạo và lọc máu vì không được đào tạo chuyên môn.
Sau khi nói lời bày tỏ sự lấy làm tiếc vì không có nhà chuyên môn tham dự phiên tòa, luật sư Trần Hồng Phúc hỏi BS Hoàng Công Tình liệu có từng biết thuật ngữ AAMI (thuật ngữ bị cáo Bùi Mạnh Quốc khai trong ngày đầu tiên xét xử) là gì không, và để một hệ thống nước RO an toàn trước khi đưa vào chạy thận thì phải làm gì?
Bác sĩ Hoàng Công Tình nói, sau khi xảy ra sự cố y khoa ngày 27/5/2017, ông này có tìm hiểu thêm về các kiến thức về tiêu chuẩn AAMI trong xét nghiệm nước RO sử dụng cho chạy thận.
Theo đó, xét nghiệm bắt buộc sau khi sữa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO là test hóa chất tồn dư, tức là chúng ta sử dụng hóa chất gì để tẩy rửa đường ống thì chúng ta dùng đúng que thử để test.
Trong y tế hiện nay chỉ dùng 2 sản phẩm, đó là javel và axit peracetic, các sản phẩm này đều có các que thử đi kèm. Chỉ sau 3-5 giây thử sẽ cho ra kết quả, nếu âm tính với hóa chất bác sĩ có thể cho chạy thận bình thường và không phải chờ đợi.
Ngoài ra, các trung tâm lọc máu khuyến cáo cần làm thêm xét nghiệm Endotoxin và vi sinh để test xem nước còn vi khuẩn không và xác nhận đường ống đã được tiệt trùng chưa, 2 xét nghiệm này không cần phải chờ kết quả mới cho chạy thận mà có thể cho chạy thận bình thường.
Còn xét nghiệm AAMI là xét nghiệm định kỳ, các chuyên gia khuyến cáo nên làm xét nghiệm AAMI từ 6 tháng đến 1 năm/lần. Xét nghiệm này độc lập với việc sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị. Như vậy, xét nghiệm tồn dư hóa chất là bắt buộc, còn AAMI là không bắt buộc định kỳ, không liên quan đến sửa chữa bảo dưỡng.
BS Hoàng Công Tình cũng cho biết, ông không nắm được danh mục hóa chất cấm dùng trong y tế do Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, theo như các tài liệu BS Tình đọc được thì axitflohydric – HF không có trong danh mục được sử dụng trong y tế.
Theo BS Tình, những danh mục được sử dụng trong y tế thì mới được phép sử dụng, còn lại những chất không có trong danh mục, BS Tình nghĩ là sẽ bị cấm.
Tóm tắt vụ án: Sáng 29/5/2017, sự cố nghiêm trọng xảy ra tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình), hàng loạt bệnh nhân đang được lọc máu chu kỳ thì xảy ra hiện tượng bất thường khiến 8 người tử vong, 10 người nguy hiểm đến tính mạng. Đây là một thảm hoạ y tế gây chấn động không chỉ trong lịch sử y học VN mà còn cả trên thế giới.
Một tháng sau thảm hoạ y khoa này, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) đã xác định có việc tồn dư hóa chất khử khuẩn trong hệ thống nước RO.
Các mẫu nước cấp vào máy lọc thận số 10 và 13 cho thấy các chỉ tiêu pH rất thấp, độ dẫn điện cao, hàm lượng Flouride lần lượt cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép. Chính mức Flouride cao quá mức an toàn cho chạy thận nhân tạo hàng trăm lần này là nguyên nhân gây ra thảm họa ở Hòa Bình.
Ngày 22/2/2018, VKSND tỉnh Hòa Bình ban hành cáo trạng truy tố đối với ba bị can:
1. Bị can Bùi Mạnh Quốc về tội " vô ý làm chết người " theo quy định tại khoản 2 Điều 98 BLHS năm 1999 (nay là khoản 2 Điều 128 BLHS năm 2015);
2. Bị can Trần Văn Sơn và bị can Hoàng Công Lương về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999 (nay là khoản 3 Điều 360 BLHS năm 2015).
Theo Linh Chi - Như Hoàn (Soha/Trí Thức Trẻ)