6 điều cần biết việc bác sĩ Hoàng Công Lương giữ quyền im lặng tại tòa
Mở đầu phiên xét hỏi chiều 17-5, luật sư Hoàng Ngọc Biên - bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương - đề nghị được hỏi điều tra viên của công an tỉnh Hòa Bình về quá trình điều tra vụ án.
HĐXX Toà án nhân dân TP Hoà Bình cho gọi điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa - người trực tiếp điều tra vụ án.
Luật sư Biên chỉ ra việc buộc tội bác sĩ Hoàng Công Lương có liên quan đặc biệt đến ông Trương Quý Dương - nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.
Ông này đã có đơn xin vắng mặt để đi Canada nên yêu cầu triệu tập của nhiều luật sư từ ngày đầu xét xử đến nay đã bị toà từ chối.
"Một số tình tiết liên quan đến lời khai của ông Dương cho thấy 9h45 ngày 15-8-2017 ông có làm việc với ông Dương. Đề nghị cho biết tư cách tố tụng của ông Dương tại thời điểm này là như thế nào?", luật sư Biên hỏi.
Điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa cho biết: "Việc mời ông Dương đến công an làm việc là với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, chúng tôi đã giải thích rõ cho ông Dương biết".
"Ông có ghi việc này trong biên bản không?", luật sư Biên tiếp tục hỏi. Điều tra viên Nghĩa không trả lời cụ thể mà đề nghị luật sư xem lại biên bản ghi lời khai vì "trong đó thể hiện rất rõ".
Luật sư Biên tiếp tục quan tâm đến việc hiện trường vụ án bị xáo trộn, các quả lọc thận trong máy đã bị tháo ra bảo quản trong kho và không thấy cơ quan điều tra ghi rõ đã thu bao nhiêu quả lọc.
Điều tra viên Nghĩa khẳng định: "Quá trình khám nghiệm hiện trường, công an có thu giữ đồ vật, tài liệu liên quan đúng quy định pháp luật. Việc này đã được thể hiện trong hồ sơ của vụ án".
Luật sư Biên tiếp tục đề nghị trả lời thẳng vào câu hỏi về số lượng quả lọc đã thu, nhưng ông Nghĩa vẫn lặp lại câu trả lời: "Số lượng bao nhiêu thì đã có trong biên bản".
Một luật sư khác đề cập việc công an tỉnh Hòa Bình có gửi một công văn sang Sở Kế hoạch đầu tư khẳng định việc chuyển nhượng thầu 100% từ Công ty Thiên Sơn sang cho công ty Trâm Anh - tức là việc "bán cái" - đã vi phạm quy định của Luật Đấu thầu. Nhưng cơ quan điều tra chỉ kiến nghị cấm đấu thầu đối với công ty Thiên Sơn chứ không xem xét xử lý hình sự.
Chủ tọa phiên toà cho rằng việc kí biên bản là thẩm quyền của thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan cơ quan điều tra, không thuộc thẩm quyền của điều tra viên nên không thể trả lời.
Ông Bùi Tuấn Nghĩa cũng không trả lời và trở về chỗ ngồi.
Cần đại diện Bộ Y tế ở toà
Là người bị chủ tọa phiên tòa yêu cầu ra khỏi phòng xử sáng nay, luật sư Trần Vũ Hải nói với báo chí sau đó: "Tôi cảm thấy không có vấn đề gì, việc này rất là bình thường".
Ông Hải cũng giải thích lý do kiên quyết đề nghị triệu tập đại diện Bộ Y tế đến tòa: "Thời điểm xảy ra sự cố chưa có quy định về hệ thống nước RO 2 bảo dưỡng như thế nào, nên việc này phải theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Công ty Thiên Sơn chính là bên lắp đặt, theo tôi được biết là từ năm 2010 đến nay, như vậy công ty này có đầy đủ tài liệu hướng dẫn. Đại diện công ty này nói đã gửi các tài liệu liên quan cho bệnh viện và khi tôi đề nghị cung cấp ra toà thì họ bảo các tài liệu này không còn tồn tại. Tôi thấy đây là điều vô lý".
"Tôi nghĩ phải mời Bộ Y tế đến toà vì có rất nhiều khái niệm trong ngành y tế, các công văn, tiêu chuẩn mà người ngoài ngành không thể hiểu nổi", luật sư Hải cho rằng yêu cầu của mình là đúng trọng tâm.
"Trọng tâm ở đây là phải có quy trình về bảo hành hệ thống máy lọc nước, ai làm sai quy trình thì người đó có lỗi. Người không ban hành quy trình hoặc có ban hành nhưng không hướng dẫn cũng có lỗi".
Theo Thân Hoàng - Danh Trọng (Tuổi Trẻ)