Chồng mất, gia đình lao đao
Vụ án Lê Quốc Tuấn (tức Tuấn “khỉ”) dùng súng AK nổ súng tại sòng bạc ở vườn nhãn trên đường 121, ấp 5, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM khiến 4 người tử vong, 1 người bị thương vào ngày 29/1/2020 khiến dư luận rúng động. Sau khi xả súng, Tuấn cướp xe máy SH và khoảng 1 tỷ đồng rồi bỏ trốn. Trong quá trình bỏ trốn, Tuấn cướp thêm 1 xe Nouvo, 1 xe Wave, bắn chết thêm 1 người và bắn bị thương 2 người khác.
Tối 13/2, cơ quan công an phát hiện Tuấn đang ẩn náu trong căn nhà hoang ở ấp Tân Hoà, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Quá trình vây bắt, do Tuấn chống trả quyết liệt nên công an đã nổ súng tiêu diệt.
Theo thông tin báo chí đăng tải, sáng 17/4, tại buổi nhận tang vật do cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM trao trả, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, vợ nạn nhân Vũ Chí T. đã nộp bản khai chi tiết cho cơ quan công an yêu cầu bồi thường gần 1,1 tỷ đồng.
Theo chị Nhung, anh T. là lao động chính, là cột trụ về kinh tế, là chỗ dựa về tinh thần cho cả gia đình... Cả nhà chị chỉ sống bằng tiền lương và thu nhập làm thêm của anh T., nên khi anh bị sát hại, nguồn thu nhập bị mất, trong khi đó chị phải lo tiền ăn, học cho 2 con nhỏ. Vì thế, chị yêu cầu những người liên quan bồi thường chi phí nuôi 2 con chị đến khi các cháu đủ 18 tuổi, 1 cháu mỗi tháng là 3 triệu đồng.
Cụ thể, với cháu lớn (sinh tháng 12/2010), thời gian cần nuôi dưỡng đến khi đủ 18 tuổi là 8 năm 8 tháng, bằng 104 tháng với số tiền là 312 triệu đồng. Với cháu nhỏ (sinh tháng 5/2017) thời gian cần nuôi dưỡng đến khi đủ 18 tuổi là 15 năm 1 tháng, bằng 181 tháng, với số tiền là 543 triệu đồng. Tổng số tiền nuôi 2 cháu nhỏ đến đủ 18 tuổi là 855 triệu đồng.
Ngoài ra, vợ nạn nhân trong vụ Tuấn “khỉ” cũng yêu cầu được bồi thường tiền lo mai táng và các chi phí cúng lễ theo nghi thức truyền thống cho anh T. là 79,8 triệu đồng; tiền bồi thường tổn thất về tinh thần bằng 100 tháng lương cơ sở tại thời điểm anh T. bị bắn chết là 149 triệu đồng.
Chị Nhung cũng yêu cầu được bồi thường tài sản bị chiếm đoạt là chiếc môtô Honda Wave Alpha trị giá 14,5 triệu đồng. Tổng cộng số tiền chị Nhung yêu cầu được bồi thường là gần 1,1 tỷ đồng.
“Hiện nay cuộc sống gia đình tôi vô cùng khó khăn, chật vật, không còn tiền chi trả những sinh hoạt tối thiểu. Vì vậy, kính mong quý cơ quan vận động các bị can, người liên quan sớm bồi thường để chúng tôi sống qua ngày và ổn định cuộc sống”, chị Nhung viết trong đơn yêu cầu bồi thường.
Việc bồi thường phụ thuộc vào tài sản Tuấn “khỉ”
để lại Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về các khoản chi phí cứu chữa, tiền mai táng, tiền tổn thất về tinh thần và tiền cấp dưỡng cho người mà người bị hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Tuy nhiên mức bồi thường lại phụ thuộc vào khả năng thanh toán của người gây thiệt hại. Bởi vậy trong trường hợp thực tế thiệt hại có thể trên 1 tỷ đồng nhưng do Tuấn “khỉ” đã chết và nếu tài sản để lại chưa đến 1 tỷ đồng thì người bị hại cũng không đảm bảo được quyền lợi về bồi thường thiệt hại.
Luật sư Cường chỉ rõ, Điều 615, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại có nêu rõ những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Điều này có thể hiểu, những người thừa kế của người chết có nghĩa vụ thay mặt người chết thanh toán nghĩa vụ dân sự do người chết để lại, nếu còn thừa thì tài sản đó được chia thừa kế. Nếu thiếu thì người bị thiệt hại phải chịu thiệt.
“Suy cho cùng thì không có gì có thể bù đắp được tính mạng con người, những khoản bồi thường thiệt hại khi tính mạng bị xâm phạm thì chỉ bù đắp được phần nào những thiệt hại, mất mát, khó có thể định lượng được bao nhiêu tiền thì bù đắp được 1 mạng người. Bởi vậy những người bị hại, đại diện gia đình bị hại trong vụ án hình sự thường chịu thiệt thòi.
Thiệt hại thực tế có thể lớn hơn rất nhiều lần nhưng để chứng minh là rất khó, hơn nữa pháp luật cũng quy định là việc bồi thường thiệt hại còn phụ thuộc vào khả năng của người gây thiệt hại”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Theo Việt Hương (Đời sống & Pháp Luật)