Thành tích học tập đáng nể của ông trùm lừa đảo Mr Pips
Sáng 11/12, phóng viên báo Tiền Phong có mặt tại trụ sở Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội), ngay trước sân đơn vị, hàng chục xe sang, siêu xe như Rolls-Royce, Mecerdes G63, Jaguar, Lamborghini, Mecerdes AMG...
Mặc dù đã khởi tố 31 bị can trong đường dây lừa đảo do Phó Đức Nam - Mr Pips (SN 1994, trú tại phường 8, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), thu giữ số tang vật lên tới 5.200 tỷ đồng, song các cán bộ, chiến sĩ vẫn bận rộn nghiên cứu hồ sơ, điều tra mở rộng vụ án.
Những ngày qua, phần lớn các thông tin về vụ án được chia sẻ trên các phương tiện thông tin truyền thông, nhưng câu chuyện đằng sau là quá trình các trinh sát lần theo manh mối thì ít được biết đến.
Chia sẻ với phóng viên, một cán bộ Đội CSHS Công an quận Cầu Giấy cho biết, vào tháng 5/2024, các trinh sát Công an quận Cầu Giấy phát hiện ổ nhóm lừa đảo trên không gian mạng với quy mô lớn và báo cáo Ban chỉ huy Công an quận.
Ngay sau đó, Đại tá Thành Kiên Trung - Trưởng Công an quận Cầu Giấy đã báo cáo Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội và thành lập tổ đặc biệt giao cho Đội CSHS chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác đấu tranh, triệt phá.
"Chúng tôi lập tức huy động các đồng chí tổ trưởng hình sự Công an 8 phường trên địa bàn, tổng cộng 12 đồng chí chỉ 'ăn và làm chuyên án'. Tất cả công tác điều tra đều được thực hiện bí mật" - vị cán bộ Đội CSHS Công an quận Cầu Giấy chia sẻ.
Theo Công an quận Cầu Giấy, trong quá trình điều tra vụ án gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là phải kể đến việc tiếp cận và trinh sát nhằm hiểu, xác định cơ cấu tổ chức, vai trò của từng đối tượng trong ổ nhóm. Bởi đây là ổ nhóm tội phạm đặc biệt, được điều hành, sắp xếp cơ cấu nhân sự chặt chẽ, có phân cấp với quy mô hoạt động phạm tội trên toàn quốc và ở nước ngoài.
"Các đối tượng cầm đầu bố trí văn phòng chi nhánh ở những khu vực trung tâm, có bảo vệ, an ninh tòa nhà giám sát, lắp camera và cho người canh gác ở cửa nhằm cảnh giới và ứng phó khi cơ quan chức năng phát hiện" - Thượng úy Trần Công Hậu, Đội CSHS Công an quận Cầu Giấy cho biết.
Theo thượng úy Hậu, trên không gian mạng các đối tượng sử dụng ứng dụng có độ bảo mật cao, dễ dàng xóa dấu vết, ẩn danh khi hoạt động và đáng chú ý là thường xuyên không ở Việt Nam. Do đó quá trình điều tra phải hết sức khéo léo, bí mật và nhạy bén, không để lộ thông tin...
"Phó Đức Nam - Mr Pips sau khi học xong cấp 3 là 1 trong 3 người đạt học bổng toàn phần về công nghệ thông tin du học tại Singapore và có chứng chỉ IELTS 8.5. Đây là đối tượng được đào tạo chuyên sâu và ở môi trường tốt, sau khi học xong Nam về làm cho doanh nghiệp nước ngoài về chứng khoán"
Nhiều bị hại bị lừa vẫn nghĩ là sàn chứng khoán thật
Theo Công an quận Cầu Giấy, số tài sản thu giữ hiện nay không dừng lại ở con số 5.200 tỷ đồng. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục xác minh, thu hồi tài sản và làm rõ các đối tượng liên quan.
Tuy nhiên, trong quá trình tìm và xác minh các bị hại trong vụ án, cơ quan điều tra còn gặp rất nhiều khó khăn do các bị hại nghĩ đây là những sàn chứng khoán được cấp phép, chính thống, việc bị mất tiền là do may rủi nên không hợp tác, trình báo, từ chối cung cấp thông tin của các đối tượng cho cơ quan điều tra.
"Dựa theo dữ liệu xác minh thu thập được trên hệ thống của các đối tượng lừa đảo, chúng tôi trực tiếp liên hệ với với một số bị hại để xác minh. Điều bất ngờ là họ lại tưởng chúng tôi là kẻ lừa đảo mạo danh và nói "thôi quay về làm người đi cháu ạ", và không tin bản thân họ bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền" - một cán bộ điều tra chia sẻ.
Nhưng, đến khi thông tin vụ án được chia sẻ trên báo chí thì đã có nhiều người gọi điện trình báo với cơ quan điều tra. "Có những ngày chúng tôi nhận được gần 100 cuộc điện thoại của nhà đầu tư " - cán bộ điều tra cho biết.
Theo cơ quan công an, trong số các bị hại của đường dây lừa đảo này thường có tư tưởng nghĩ đây là đầu tư được - thua nên khi trình báo sẽ bị xử lý về hành vi đánh bạc, do đó không trình báo. Tuy nhiên, đối với các trường hợp bị lừa đảo thì cơ quan chức năng sẽ thu thập thông tin để làm căn cứ trả lại tiền cho bị hại.
Trong số các bị hại có B.N.L (SN 2002, trú tại Cẩm Phả, Quảng Ninh) là sinh viên trường đại học FPT. Qua tìm hiểu trên mạng xã hội Facebook và Tiktok, L. biết tới Phó Đức Nam là chuyên gia về đầu tư chứng khoán và thường xuyên đăng những video, hình ảnh về siêu xe, đồng hồ và nhà ở đắt tiền.
Sau đó, L. nảy sinh mong muốn bản thân mình cũng được như Phó Đức Nam nên khoảng đầu tháng 6/2024, L có nhắn tin cho Facebook Phó Đức Nam để kết bạn và làm quen nhằm mục đích tìm hiểu về các sàn Nam đang đầu tư.
Phó Đức Nam giới thiệu L. đầu tư cổ phiếu thông qua sàn tên là JPexchange.com và hướng dẫn mua các mã cổ phiếu như NVIDA, NOVELIS, XAUUSD, XAGUSD, WTI... Nam sinh viên đã thực hiện tổng cộng 37 giao dịch chuyển tiền từ tài khoản cá nhân vào sàn chứng khoán của Phó Đức Nam sau đó bị ' cháy ' tài khoản với số tiền bị chiếm đoạt là 8 tỷ đồng.
Cơ quan công an cho biết, tài liệu điều tra, trích xuất từ máy tính đã thu giữ của các đối tượng đến nay đã xác định được 2.661 bị hại nạp tiền vào lần đầu với tổng số tiền khoảng gần 50 triệu USD. Trong đó có nạn nhân bị lừa tới 40 tỷ đồng. Hiện, Cơ quan điều tra đã tiếp nhận đơn trình báo của 18 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 28 tỷ đồng.
Qua vụ việc trên, Công an quận Cầu Giấy khuyến cáo, hoạt động đầu tư ngoại hối (Forex) là một hình thức đầu tư tài chính mà các nhà đầu tư mua và bán các loại tiền tệ, nhà đầu tư kiếm lời dựa trên sự thay đổi giá trị của tỷ giá hối đoái (là tỷ giá được sử dụng để quy đổi giá trị của một đơn vị tiền tệ sang đơn vị tiền tệ khác khi thực hiện giao dịch ngoại tệ). Hoạt động đầu tư ngoại hối trên các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế trực tuyến hiện chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ.
Do đó, người dân tuyệt đối không nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng để nạp tiền theo hướng dẫn của đối tượng và các trang web để đầu tư ngoại hối, chứng khoán quốc tế. Từ đó bị các đối tượng chiếm đoạt tài sản.
Theo Thanh Hà (Tiền Phong)