Liên quan đến đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 5.000 tỷ đồng do Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips) cầm đầu, Thượng tá Cao Văn Thái, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, Nam cùng với Lê Khắc Ngọ đã tuyển 1.000 nhân viên và mở 44 văn phòng tại Việt Nam (trong đó 24 văn phòng ở Hà Nội, 20 văn phòng tại các tỉnh, thành khác trên toàn quốc) để hoạt động phạm tội.
Sau khi tuyển nhân viên và mở văn phòng xong, Nam và Ngọ đào tạo các đối tượng cách thức tiếp cận nạn nhân để lừa đảo rất tinh vi và bài bản.
Cụ thể, các đối tượng núp bóng dưới danh nghĩa công ty, trang mạng hoạt động về lĩnh vực Telemarketing (tiếp thị, quảng bá sản phẩm qua điện thoại), Telesales (tư vấn, bán hàng qua điện thoại), tư vấn đầu tư tài chính.
Các đối tượng còn môi giới chứng khoán, dụ dỗ, lôi kéo khách hàng đầu tư vào các mã chứng khoán trên sàn chứng khoán quốc tế. Chúng lập trang web "artexvina.co", xây dựng hình ảnh công ty một cách chuyên nghiệp về lĩnh vực tư vấn đầu tư chứng khoán trên sàn quốc tế.
Bộ máy của Nam được phân cấp với nhiều bộ phận như: Kế toán, nhân sự, IT, kinh doanh và chăm sóc khách hàng... Các bộ phận thực hiện các hoạt động độc lập, bổ trợ lẫn nhau, tiếp xúc với khách hàng thông qua các mạng xã hội như Zalo, Telegram... để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng đã cung cấp thông tin sai sự thật để khách hàng tin tưởng, chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định. Khách hàng sẽ được đưa vào các nhóm trò chuyện riêng tư, được hướng dẫn, tư vấn "đánh" các lệnh mua bán, kích thích nạp tiền, sử dụng "đòn bẩy" (vay) để con mồi "cháy" tài khoản.
Trước khi bị hại sập bẫy, chúng thả mồi là các giao dịch có lãi thật nhưng ít tiền để nhà đầu tư bị mê hoặc, kích thích và "tất tay".
Khi khách hàng đã hết tiền, các đối tượng lại cung cấp các thông tin sai sự thật để họ có niềm tin, chuyển thêm tiền để "gỡ". Đến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính, các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà họ đã chuyển.
Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội thông tin thêm, thông qua dữ liệu điện tử thu thập được từ các đối tượng, cơ quan điều tra xác định được 2.661 bị hại.
Những bị hại này được "tìm thấy" qua hồ sơ của những nhân viên sale, có đầy đủ họ tên, thông tin cá nhân. Trong đó, dữ liệu về số tiền nạp ban đầu của 2.661 bị hại thể hiện khoảng 50 triệu USD.
Đây chỉ là số tiền nạp ban đầu và có thể con số sẽ còn lớn hơn. Cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng làm rõ, truy vết đến cùng, vì hiện nay chưa khai thác hết hơn 280 máy tính bị thu giữ.
Đặc biệt liên quan vụ án, cơ quan công an đã thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỷ đồng.
Cụ thể số tài sản trên bao gồm: 316 tỷ đồng trong tài khoản, trái phiếu trị giá 9 tỷ đồng, sổ tiết kiệm trị giá hơn 200 tỷ đồng, 69 tỷ đồng tiền mặt VND, 2,3 triệu USD, 890 miếng vàng SJC, 246kg vàng nguyên khối, 31 siêu xe, 7 xe mô tô hạng sang, 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng, trị giá khoảng 300 tỷ đồng, 84 trang sức các loại bằng vàng, khảm kim cương... Bên cạnh đó, đã phong tỏa giao dịch đối với 125 bất động sản.
Nói thêm về quá trình bắt Phó Đức Nam, Thượng tá Cao Văn Thái cho biết, Nam là kẻ cầm đầu, thường ở Campuchia. Cơ quan công an đã kiên trì theo dõi đối tượng, khi Nam về TPHCM thì bị bắt, dẫn giải ra Hà Nội quy án.
Theo Tiến Dũng (VietNamNet)