Hà Nội: Phát hiện đối tượng người nước ngoài sử dụng trạm BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo

10/04/2024 09:19:33

Lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ ngay trong đêm một đối tượng nước ngoài sử dụng trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Theo báo Sức Khoẻ & Đời Sống, Cục Tần số vô tuyến điện chiều 9/4 cho biết, Trung tâm I thuộc Cục cùng các cơ quan chức năng đã bắt giữ một người nước ngoài sử dụng thiết bị giả mạo truy nhập mạng viễn thông bất hợp pháp đêm 5/4.

Trước đó, trong những ngày đầu tháng 4/2024, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I (Trung tâm I) thuộc Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận được thông tin có dấu hiệu của thiết bị giả lập trạm thu phát sóng di động (BTS giả) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trung tâm I đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật nhanh chóng xác định nguồn phát sóng BTS giả mạo.

Việc theo dõi, bắt quả tang đối tượng sử dụng thiết bị BTS giả gặp nhiều khó khăn, phức tạp do đối tượng sử dụng thiết bị BTS giả mạo đặt trên ôtô, di chuyển liên tục để tránh bị phát hiện.

Hà Nội: Phát hiện đối tượng người nước ngoài sử dụng trạm BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo

Hà Nội: Phát hiện đối tượng người nước ngoài sử dụng trạm BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo - 1
Trạm BTS giả do đối tượng đặt trên ô tô để tránh bị phát hiện. Ảnh: Cục Tần số Vô tuyến điện

Tuy nhiên, bằng công tác nghiệp vụ và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Công an, đến 22h30 ngày 5/4, Trung tâm I đã định vị và lực lượng chức năng bắt giữ được đối tượng người nước ngoài trực tiếp sử dụng thiết bị BTS giả mạo, truy nhập mạng viễn thông bất hợp pháp, phát tán tin nhắn quảng cáo, lừa đảo.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tại Hà Nội, các lực lượng chức năng đã bắt giữ 3 vụ phát sóng BTS giả, trong đó, 1 vụ đã hoàn thiện hồ sơ truy tố và 2 vụ đang mở rộng điều tra.

Việc sử dụng BTS giả đã xuất hiện tại Việt Nam nhiều năm nay nhưng rộ lên từ năm ngoái. Kẻ tấn công lợi dụng cơ chế bảo mật yếu của mạng 2G (GSM), vốn không yêu cầu xác thực trạm BTS với thiết bị đầu cuối, từ đó thực hiện một cuộc tấn công trung gian xen giữa kết nối của điện thoại và trạm BTS thật của nhà mạng.

Do cơ chế hoạt động của điện thoại là luôn kết nối đến trạm có sóng mạnh nhất, thiết bị có thể vô tình kết nối vào mạng của kẻ tấn công. Người dùng khi đó có thể nhận được các tin nhắn do kẻ tấn công gửi tới, trong đó có cả những tin nhắn chứa tên thương hiệu (brandname).

Tổng hợp

PTH (SHTT)

Nổi bật