Các đối tượng gồm: Trịnh Xuân Quỳnh (SN 1999), Nguyễn Bá Tuấn (SN 1999), cùng trú tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; Nguyễn Thị Thêm (SN 1999), trú tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình và Trần Đức Quân (SN 2002) trú tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo cơ quan điều tra, khoảng 14h30 phút ngày 21/6, Công an huyện Đông Anh đã tổ chức kiểm tra, phát hiện 3 đối tượng gồm Nguyễn Bá Tuấn, Trần Đức Quân và Nguyễn Thị Thêm đang đóng gói một số loại hàng hóa...
Các đối tượng khai nhận hành vi làm giả hàng hóa, do đối tượng Trịnh Xuân Quỳnh chỉ đạo dán nhãn vào sản phẩm và số hàng của Phạm Văn Chính (SN 1986) trú tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định mang đến.
Quá trình điều tra, lực lượng Công an đã tạm giữ các sản phẩm bao gồm: kem chống nắng, kem trang điểm mang nhãn hiệu NIEL, lăn khử mùi cơ thể mang nhãn hiệu Sción, thực phẩm bảo vệ sức khỏe mang nhãn hiệu Đào Thi, thuốc giảm cân nhãn hiệu BASCHI, sản phẩm Cần tây mật ong, dung dịch vệ sinh nhãn hiệu Ric Skin... và nhiều nhãn mác, vỏ hộp.
Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở trọ của đối tượng Nguyễn Bá Tuấn tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội tổ công tác đã phát hiện, thu giữ 8 thùng sản phẩm "Cần tây mật ong", 45 chai dung dịch chưa dán nhãn hiệu.
Đến ngày 23/6, Công an huyện Đông Anh tiếp tục tiến hành khám xét khẩn cấp nơi Phạm Văn Chính thuê tại thôn Tân Trại, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn. Tại thời điểm này Phạm Văn Chính và đồng phạm đã bỏ trốn.
Cơ quan Công an đã thu giữ các sản phẩm mang nhãn hiệu Đào Thi, một số mỹ phẩm và các máy móc phục vụ việc sản xuất hàng giả như máy co màng, máy chiết, máy cắt túi, máy khuấy cùng nhiều vỏ hộp, nhãn mác hàng hóa các loại.
Tổng số hàng hóa thu giữ ban đầu và khám xét khẩn cấp gồm trên 20.000 sản phẩm gồm nhiều mặt hàng như: kem chống nắng, kem trang điểm mang nhãn hiệu NIEL, lăn khử mùi cơ thể mang nhãn hiệu Sción, thực phẩm bảo vệ sức khỏe mang nhãn hiệu Đào Thi, thuốc giảm cân nhãn hiệu BASCHI, dung dịch vệ sinh nhãn hiệu Ric Skin, cần tây mật ong…
Cơ quan công an xác định Phạm Văn Chính thuê kho tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh để sản xuất các loại hàng giả nói trên. Sau đó Chính đã thuê Trịnh Xuân Quỳnh, Nguyễn Bá Tuấn, Nguyễn Thị Thêm và Trần Đức Quân đóng gói hàng hóa (dán tem chống hàng giả, dán nhãn phụ, đóng hộp sản phẩm).
Toàn bộ nguyên liệu để làm hàng giả do Chính cung cấp, sau khi hàng hóa được đóng gói xong Chính sẽ cho người đến chở đi. Các đối tượng tham gia đóng gói hàng đều nhận thức được hàng hóa trên là hàng giả, không phải hàng chính hãng.
Đáng chú ý, trong số hàng hóa thu giữ, các sản phẩm mang nhãn hiệu Đào Thi là sản phẩm của Công ty TNHH dược phẩm quốc tế MEDICOM có địa chỉ trụ sở tại tầng 4 tòa nhà Vimeco lô E5 đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học và công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Toàn bộ sản phẩm mang nhãn hiệu Đào Thi là hàng “nhái” bị thu giữ tương đương giá trị gần 600 triệu đồng. Đối với các loại hàng hóa khác, Cơ quan CSĐT đang tiếp tục xác minh về tính pháp lý của sản phẩm để có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo Anh Đức (Pháp Luật & Bạn Đọc)