Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Cơ quan điều tra nói về hai đối tượng tình nghi

08/05/2020 13:32:30

Trong phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải ngày 7/5, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã tập trung làm rõ nội dung kháng nghị của VKSNDTC, trong đó có một số vấn đề liên quan đến vi phạm tố tụng và vật chứng.

Cơ quan điều tra giải trình những thiếu sót

VKSNDTC cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như: Khám nghiệm hiện trường không thu vật chứng vụ án; Khám nghiệm tử thi nhưng không giám định để xác định thời điểm chết của nạn nhân; Một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến, một số biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung sửa chữa nhưng không có chữ ký người xác nhận; Không đưa ra một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án…

Giải trình về nội dung trên trước Hội đồng Thẩm phán (HĐTP), đại diện Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Long An cho biết không có chuyện bỏ sót các đối tượng tình nghi. Ngay sau khi vụ án xảy ra, CQĐT đã triển khai rất nhiều tổ điều tra và 2 đối tượng Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Huy Sol (2 người dư luận đặt nghi vấn-PV) bị tình nghi đầu tiên.

CQĐT đã phân công những cán bộ có kinh nghiệm, bản lĩnh xác minh làm việc với 2 đối tượng này để xác định có liên quan tới vụ án không? Quá trình làm việc, CQĐT thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, không phải chỉ dựa vào dấu vân tay. Trên những chứng cứ cụ thể, CQĐT đã loại 2 đối tượng này ra khỏi diện tình nghi.

Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Cơ quan điều tra nói về hai đối tượng tình nghi
Toàn cảnh phiên tòa giám đốc thẩm ngày 7/5

Về việc tại sao hồ sơ có lời khai của Nguyễn Huy Sol: Sau khi loại đối tượng ra khỏi diện tình nghi, Nguyễn Huy Sol có cung cấp được một số nội dung giá trị cho vụ án, nên CQĐT đã lấy làm lời khai. Còn Nguyễn Văn Nghị, tổng hợp những lời khai không có tình tiết gì nên được đưa vào hồ sơ AK của Bộ Công an, đây là tài liệu mật.

Giải trình cụ thể về chứng cứ ngoại phạm của Nguyễn Huy Sol và Nguyễn Văn Nghị theo yêu cầu của Chủ tọa phiên tòa, đại diện CQĐT cho biết: CQĐT đã trưng cầu giám định dấu vân tay 144 người, lập hồ sơ và đây là tài liệu mật. Đại diện CQĐT cho biết sẽ cung cấp danh sách này cho Hội đồng giám đốc thẩm.

Về việc một số biên bản nhận dạng và lời khai không có người chứng kiến, một số biên bản hỏi cung có sửa chữa nhưng không có xác nhận của người khai, theo CQĐT đây là những sửa chữa về mặt chính tả, không phải sửa chữa nguyên câu, nên không có gì thay đổi.

Tiếp đó, Chủ tọa phiên tòa yêu cầu bộ phận kỹ thuật cho trình chiếu một số biên bản có nội dung sửa chữa lên màn hình để kiểm tra. Kết quả cho thấy cơ bản những nội dung sửa chữa đều về mặt chính tả, Chủ tọa đồng tình với giải trình của CQĐT Công an tỉnh Long An. Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng lấy dẫn chứng việc có những sửa chữa dù chỉ một từ, sẽ làm thay đổi nội dung, đơn cử như: “Cái ly đứng” và “cái ly nằm”, chỉ khác nhau chữ “đứng” và chữ “nằm”. Chủ tọa phiên toà đánh giá việc này dù thế nào vẫn là sai.  

Bên cạnh đó, HĐTP cũng làm rõ nhiều sai sót của cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm và phúc thẩm, trong đó đặc biệt là của CQĐT, đúng như kháng nghị của VKSNDTC.

Làm rõ việc khám nghiệm của Cơ quan điều tra

Trong phiên xét xử, Chủ tọa, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã mời thành viên HĐTP tham gia làm rõ nội dung kháng nghị của VKSNDTC liên quan đến các vật chứng như: ghế, thớt, dao…

Một thành viên HĐTP đặt câu hỏi đối với đại diện VKSNDTC về việc có nội dung hay lời khai nào mà Hải khai không đốt hay không? Nếu Hải vẫn thừa nhận đốt và đó vẫn là quần áo và dây lưng của Hải, điều đó có ý nghĩa thế nào?

Một thành viên HĐTP khác cũng đặt câu hỏi với CQĐT: Cái thớt và con dao không thu giữ, CQĐT nói do sơ suất. Nội dung hai bản án xác định chiếc ghế là bằng chứng phạm tội, nhưng thực tế không liên quan, con dao cũng không có giá trị. Vậy, trong kết luận điều tra, CQĐT có khẳng định đây là công cụ gây án? Việc mua dao, thớt để phù hợp nhận dạng có trái với luật tố tụng?

Tiếp đó, một thành viên HĐTP đề nghị CQĐT làm rõ về việc khi khám nghiệm hiện trường thì chưa biết hung khí, sau khi Hải khai lúc đó mới biết có thớt, dao. Tại sao không yêu cầu Hải vẽ mô phỏng?

Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Cơ quan điều tra nói về hai đối tượng tình nghi - 1
Đại diện CQĐT Công an tỉnh Long An trả lời câu hỏi của HĐTP trong phiên xử giám đốc thẩm ngày 7/5

Về các vật chứng, CQĐT cho rằng, việc mua dao, thớt không phải xác định công cụ gây án mà mua để nhận dạng. Sau đó, Chủ tọa phiên tòa bày tỏ một chi tiết rất quan trọng, tại sao CQĐT không thu dao, thớt?

Theo CQĐT, sau khi bị bắt, Hồ Duy Hải khai rửa sạch dao và giấu vào vách tường. Khi bàn giao lại hiện trường, Bưu điện cho người dọn dẹp; nhân chứng thu được dao nhưng sau đó đem đốt bỏ. “Đó là sơ suất của CQĐT”, đại diện CQĐT thừa nhận.

Tại Tòa, các Thẩm phán còn băn khoăn rằng, vật chứng là dao, thớt được mua ở ngoài, nhưng ý này được ghi ở Bút lục nào thì chưa rõ. Hai nạn nhân được cho là ăn, ngủ tại trụ sở Bưu điện Cầu Voi, khi bị chết bản ảnh cho thấy còn có chiếc thớt, nhưng thớt không bị thu giữ. Các nạn nhân chết có vết cắt ở cổ, chết do vật sắc nhưng CQĐT không thu giữ dao.

Thành viên HĐTP đặt câu hỏi: Không biết CQĐT khám nghiệm hiện trường bao lâu thì tìm thấy con dao trên bức tường kín, không gần chỗ nạn nhân nằm chết? Trong khi đó, phần đốt cháy lại không tìm thấy lưỡi dao, chi tiết này cần được làm rõ.

Trong phần mô tả con dao có tình tiết Công an viên phát hiện vỏ dao bọc nhựa 10cm, còn Hải khai lưỡi dao dài 20cm. Phải chăng, ở hiện trường còn có con dao 10cm nữa hay vỏ dao trên không liên quan tới con dao mà Hải khai?

Trước những câu hỏi trên, Điều tra viên cho rằng, quá trình khám nghiệm hiện trường không tìm thấy con dao nào. Khi nhân viên Bưu điện dọn dẹp, phun rửa tường, dỡ bỏ bức tranh trên tường thì phát hiện dao nằm giữa bức tranh và tường rơi xuống đất nên báo cho Công an huyện (tên Sơn - người không tham gia điều tra trong vụ án này-PV).

Cán bộ Công an huyện này hỏi, con dao có dính máu không, nếu không dính máu thì bỏ đi nên người dọn dẹp đã thu gom các đồ vật (kể cả con dao) mang đi đốt. Khi biết chuyện, Điều tra viên trong vụ án đã xuống tìm lưỡi dao nhưng không còn. Lời khai của Hải phù hợp với việc tìm thấy dao của nhân viên Bưu điện là sau khi rửa đã vứt vào khe tranh tường.

Chủ tọa, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đặt câu hỏi: Hải khai dao lúc dài, lúc ngắn, thớt lúc mỏng, lúc dầy là như thế nào?

Điều tra viên cho biết: “Do diễn biến tâm lý, bị can lúc khai thế này thế khác nên CQĐT mới đưa ra để nhận dạng”.

Một nội dung quan trọng khác trong kháng nghị cũng được HĐTP yêu cầu làm rõ là tàn tro thu được tại nhà của Hồ Duy Hải thể hiện việc sau khi gây án, Hải đã đốt bỏ quần áo vật dụng có liên quan đến vụ án. Đại diện VKSNDTC cho rằng, tàn tro này là có thật nhưng chưa xác định liên quan, nên không có giá trị chứng minh vì người nhà Hải khai Hải có thói quen đốt bỏ quần áo cũ. Điều tra viên phản bác quan điểm này bởi, sau khi Hải khai, Điều tra viên xuống hiện trường phát hiện hai đống tàn tro, có vật dụng còn cháy dở. Kết quả giám định trong tàn tro có thành phần vải và nhựa phù hợp với lời khai của Hải.

Theo dự kiến, chiều nay (8/5), HĐTP TANDTC sẽ ra phán quyết giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải.

Theo Nhóm PV (Congly.vn)

Nổi bật