Vết thương do vật sắc nhọn tác động
Kháng nghị của VKSNDTC nêu: Cơ chế hình thành vết thương trên cơ thể nạn nhân Hồng và Vân chưa được giải thích, làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Theo biên bản khám nghiệm tử thi, ngoài vết cắt chí mạng ở cổ, nạn nhân Hồng còn bị rách hở da trên mặt và vết bầm ở vùng thái dương và vùng đầu. VKNDTC cho rằng việc bị cáo dùng tay đánh vào mặt nạn nhân không thể tạo ra những vết thương như mô tả trong khám nghiệm tử thi.
Để làm rõ vấn đề này, các thành viên Hội đồng Thẩm phán đề nghị bác sĩ giám định pháp y, Cơ quan điều tra làm rõ các thương tích này có phù hợp với hiện trường vụ án không?
Đại diện cơ quan giám định pháp y tỉnh Long An cho biết: Vùng cổ chị Hồng có vết thương hở sâu, điều này chứng tỏ hung thủ dùng vật sắc gây ra dẫn đến việc tử vong cho nạn nhân. Đối với thương tích ở vùng mặt và đầu, theo biên bản khám nghiệm tử thi, hiện trường xảy vụ án có sự xáo trộn, nhiều khả năng giữa nạn nhân và thủ phạm có một quá trình giằng co, nạn nhân chống đối quyết liệt nên phần đầu và mặt có thể va đập vào những vật khác xung quanh hiện trường.
Đại diện Cơ quan điều tra cũng khẳng định, tại các biên bản hỏi cung, Hải đều khai nhận quá trình tấn công hai nạn nhân có sự giằng co tạo ra những xô đẩy xáo trộn tại hiện trường. Căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường, tử thi, Cơ quan điều tra đã làm rõ các dấu vết gây ra cái chết cho nạn nhân là dao, thớt…
Chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm cũng đặt câu hỏi với nhận định VKSNDTC trong kháng nghị: Việc bị cáo dùng tay đánh vào mặt chị Hồng thì không thể tạo ra các vết thương trên vùng mặt. Căn cứ nào để loại trừ các các thương tích này không phải do vật khác như thớt, ghế đã được nêu trong biên bản khám nghiệm?
Đại diện VKSNDTC cho rằng, việc bị cáo dùng tay là theo nghiên cứu tại bản án của Tòa, tuy nhiên, khi trích lục bản án đã nêu rất đầy đủ việc bị cáo dùng tay đánh vào mặt, hay tay cầm thớt đập vào vùng đầu và vùng mặt rồi dùng dao cắt cổ nạn nhân.
Vì sao không có dấu vân tay của bị cáo?
Một vấn đề nữa được các thành viên Hội đồng Thẩm phán quan tâm trong kháng nghị của VKS là dấu vân tay thu được tại hiện trường có phải của Hồ Duy Hải không?
Tại Bút lục 53 nêu rõ, Bản kết luật giám định số 158/KL-P21 ngày 11/4/2008 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An kết luận: các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải.
Giải trình về vấn đề này, đại diện Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An khẳng định việc thu giữ dấu vân tay và khám nghiệm hiện trường vụ án được tiến hành theo đúng quy định. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An cho biết, đã tiến hành lấy mẫu vân tay tại hiện trường vụ án và khu vực nhà vệ sinh. Kết quả không thu được dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Điều này phù hợp với lời khai của Hải tại các lời khai trước đó. Cụ thể, tại các biên bản hỏi cung, Hải khai nhận, sau khi giết hai nạn nhân đã ra nhà vệ sinh rửa tay và dao nên dấu vân tay không lưu lại tại đây.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra thu thập 144 vân tay, trong đó 119 vân tay liên quan đến vụ án, ngoài ra còn giám định 25 vân tay các thành phần tham gia tiến hành khám nghiệm hiện trường để giám định.
Thành viên Hội đồng Thẩm phán đặt vấn đề: Diễn biến vụ án có rất nhiều chỗ có thể có vân tay để lại, từ cốc uống nước, điện thoại, quần áo…tại sao lại không thấy vân tay của Hồ Duy Hải? Những dấu vân tay còn lại là của ai? Ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai, còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol đã truy xuất dấu vân tay chưa?
Đại diện Cơ quan điều tra giải thích, khu vực Cầu Voi là nơi công cộng có rất nhiều người ra vào mỗi ngày. Tại hiện trường vụ án, cơ quan Công an đã thu giữ được 7 dấu vân tay, trong đó 2 dấu vân tay của nạn nhân, còn lại 5 dấu vân tay khác không xác định được.
Cơ quan điều tra cho biết, Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol là hai đối tượng nghi vấn đã được lấy dấu vân tay nhưng kết quả không trùng khớp với dấu vân tay tại hiện trường.
Về ý kiến cho rằng Hồ Duy Hải thực hiện rất nhiều thao tác tại nhiều vị trí ở Bưu điện Cầu Voi nhưng không để lại dấu vấn tay, Cơ quan điều tra cho biết, việc không thu được dấu vân tay là bình thường. Thực tế, việc khám nghiệm không thu được dấu vân tay của nạn nhân Hồng, 5 dấu vân tay khác cũng không xác định được.
Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol có bằng chứng ngoại phạm?
Tại phiên tòa giám đốc thẩm chiều 7/5, Chủ tọa phiên tòa cho biết, luật sư Trần Hồng Phong có đơn tố giác hai đối tượng này liên quan đến vụ án. Đề nghị Điều tra viên làm rõ dựa vào căn cứ nào để loại trừ Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol?
Điều tra viên cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, cơ quan Công an tiến hành bảo vệ hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập các tài liệu liên quan đến vụ án.
Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol là hai nhân vật bị tình nghi, tuy nhiên quá trình giám định dấu vân tay nhưng kết quả không trùng khớp với dấu vân tay tại hiện trường. Ngoài ra, tại thời điểm xảy ra vụ án, cả hai người này đều có bằng chứng ngoại phạm.
Theo Nhóm PV (Công Lý)