Sự việc Công an TP Huế (tỉnh TT-Huế) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Thị M. T. (SN 1996, trú tại phường Thủy Xuân, TP Huế) để điều tra hành vi “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” hồi cuối năm 2021 đã gây xôn xao dư luận. Đây là hồi chuông cảnh báo về 1 bộ phận các cô gái trẻ bất chấp nhân phẩm, danh dự bản thân để kiếm tiền "bẩn" trên internet.
Từ tháng 5/2021 đến tháng 7/2021, Trần Thị M. T. đã tạo 54 clip sex, 76 ảnh khiêu dâm và đăng lên mạng Internet nhằm thu lợi bất chính với số tiền 140 triệu đồng. Trong đó, có hình ảnh T. tự quay chụp tại cầu Trường Tiền trong tình trạng “không mảnh vải che thân” làm xôn xao, bức xúc trong dư luận.
Hiện nay, tình trạng nhiều cô gái trẻ đẹp đăng ảnh nhạy cảm, làm clip sex thậm chí là livestream khoả thân... đang rất phổ biến. Điều mà họ nhắm tới là một khoản tiền lớn mà họ sẽ được chi trả khi thực hiện những hành vi phi pháp này thông qua một số ứng dụng, mạng xã hội.
Kiếm hàng chục triệu đồng 1 tháng thông qua ứng dụng livestream
Theo Báo điện tử VTV, ứng dụng livestream có tên Bigo Like đang bị nhiều người phản ánh vì liên tục chia sẻ những hình ảnh dung tục, phản cảm. Ứng dụng cho phép phát sóng trực tiếp những hình ảnh cá nhân của người sử dụng lên mạng xã hội có mặt ở trên 150 quốc gia với hàng trăm triệu lượt tải xuống, không ít người sử dụng tại Việt Nam đã cài đặt ứng dụng này. Thế nhưng, những hình ảnh khoe thân phản cảm thường thấy mỗi khi truy cập vào.
Lý do để những bạn trẻ này sẵn sàng thực hiện mọi động tác phản cảm theo yêu cầu của người theo dõi là bởi ứng dụng này có tính năng kiếm tiền. Không ít bạn trẻ đã có thu nhập lên đến vài chục triệu đồng 1 tháng nhờ việc nhẹ lương cao, cùng với những hướng dẫn kiếm tiền chi tiết từ ứng dụng này. Mỗi ngày khoe thân khoảng 2 giờ đồng hồ, 1 tháng các cô gái có thể kiếm được khoảng gần 50 triệu đồng khiến cho nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ dở việc học hành hay những công việc lao động chân chính.
Thù lao mà các app livestream trả tiền ra sao?
Báo Thanh Niên đăng tải, theo như chính sách của các đại lý tuyển dụng "idol" cho các app livestream, thu nhập của các cô gái làm công việc này dựa vào hình thức làm việc. Nghĩa là mỗi loại "idol" sẽ có mức thu nhập khác nhau. Trong đó, mỗi giờ livestream, "idol giải trí" nhận được khoảng 120.000 đồng, "idol show" sẽ có mức thu nhập khoản 170.000 đồng, "idol cặp đôi" được nhận 270.000 đồng.
Bên cạnh đó, các idol sẽ nhận thêm 50% giá trị quà tặng của các người sử dụng app. Tùy theo app sẽ đưa ra những mức thu nhập khác nhau, nhưng chênh lệch trên dưới 10.000 - 20.000 đồng mỗi giờ, cũng như chênh khoảng 5 - 10% giá trị quà tặng. Yêu cầu mà "idol" phải thực hiện, là buộc phải livestream ít nhất 2 giờ đồng hồ mỗi ngày, phải biết cách ‘chiều lòng’ người dùng và phải đạt được KPI (chỉ số đo lường) về mức tiền mà các con bạc ‘đổ’ vào các trò đỏ đen.
Tuy nhiên, không ít "idol show" đã phải... khóc dở mếu dở vì chăm chỉ khoe thân, khiêu dâm với mong muốn kiếm được tiền nhưng sau đó bị đại lý ngoảnh mặt ‘xù' tiền công.
Theo chia sẻ của các "idol show", chuyện bị 'xù' tiền diễn ra khá phổ biến. "Bởi giữa đại lý và các "idol" không hề có hợp đồng ràng buộc, chỉ là các cuộc trò chuyện hứa hẹn qua mạng xã hội. Gặp đại lý có tâm thì không sao. Còn có nhiều đại lý liên tục thoái trách nhiệm, cứ khất và viện cớ các chủ app livestream chưa thanh toán tiền nên không chịu chuyển trả tiền cho "idol". Có trường hợp đại lý nợ cả chục idol số tiền lên đến vài chục triệu đồng, giới "idol" chỉ biết ngậm đắng nuốt cay thôi chứ không biết đại lý đó là ai ngoài đời thật.
Cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng!
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, Giảng viên Trường Đại học Văn Lang chia sẻ trên báo Thanh Niên, cho rằng đây là những hành vi không đúng đắn và cần lên án của xã hội. "Đây là thực trạng đáng báo động khi một số người trẻ có những hành vi ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục như khoe thân khiêu dâm hay thậm chí hành vi phạm pháp như kêu gọi người khác tham gia đánh bạc" - bà Lưu nói.
Theo bà Lưu, bản thân mỗi người trẻ cần có những cái nhìn đúng đắn về những hành vi thiếu chuẩn mực. Rèn luyện một thói quen và hành vi sử dụng mạng xã hội lành mạnh, văn minh. Phụ huynh cần tăng cường giáo dục cho con cái những chuẩn mực giá trị, chia sẻ và can thiệp kịp thời khi phát hiện con cái có những hành vi thiếu nghiêm túc. Cơ quan chức năng, cần nâng cao đẩy mạnh nhận thức của người dân về luật an ninh mạng. Cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ về những hành vi sử dụng mạng thế nào là vi phạm và đâu là chuẩn mực và tăng cường kiểm soát và xử phạt những website, trang mạng có những nội dung thiếu lành mạnh.
Truyền bá văn hóa phẩm đồi truỵ có thể bị xử lý thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi truỵ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Những trường hợp truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy được liệt kê, mô tả tại điều 326 bộ luật hình sự năm 2015 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các trường hợp còn lại sẽ bị xử phạt hành chính.
"Nếu người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (những văn hóa phẩm thể hiện lối sống ăn chơi, thấp hèn, hư hỏng, gây ảnh hưởng xấu đến đạo đức và trái thuần phong mỹ tục của dân tộc) với dữ liệu được số hóa có nội dung từ 1GB trở lên hoặc số lượng ảnh từ 100 ảnh trở lên hoặc phổ biến cho 10 người tiếp cận trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 326 với mức chế tài là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm" - luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho biết thêm, trong trường hợp dữ liệu từ 5GB trở lên, số lượng ảnh từ 200 ảnh trở lên hoặc phổ biến từ 21 người trở lên, phổ biến cho người dưới 18 tuổi, sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện hành vi phạm tội thì mức hình phạt là phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Trường hợp dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 10GB trở lên hoặc ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên hoặc phổ biến cho 101 người trở lên thì người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Theo Gia Đạt (Kienthuc.net.vn)