Đường dây nhập lậu ôtô sang gắn mác Việt kiều hồi hương

10/11/2018 07:54:14

Trưởng phòng nghiệp vụ Hải quan Đồng Tháp có vai trò quan trọng trong việc cấp phép nhập hàng loạt ôtô cho Việt kiều hồi hương trái quy định.

Đường dây nhập lậu ôtô sang gắn mác Việt kiều hồi hương
Ảnh minh họa

Viện KSND tỉnh Đồng Tháp ngày 9/11 đã hoàn tất cáo trạng truy tố Phạm Phú Lộc (53 tuổi, nguyên Trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Hải quan Đồng Tháp) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo hồ sơ, đầu tháng 10/2012, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 3 (thuộc Cục Hải quan TP HCM) tạm giữ ôtô 5 chỗ hiệu Lexus Gs350 do ông Võ Minh Tiến (Việt kiều Mỹ) đứng tên nhập khẩu. Hồ sơ nhập khẩu xe này theo diện tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương và được Cục Hải quan Đồng Tháp cấp phép, bị nghi giả mạo công văn của Tổng Cục Hải quan.

Qua kiểm tra, Tổng Cục Hải quan xác định, công văn trên được gửi cho Cục Hải quan Đồng Nai về việc hướng dẫn cho phép nhập khẩu ôtô của một người khác chứ không phải ông Tiến. Chiếc Lexus sau đó được bàn giao cho Công an Đồng Tháp làm rõ.

Kết quả điều tra, năm 2012, Phạm Thị Hoàng Phi (ở TP HCM) mang hồ sơ xin nhập hộ khẩu của Võ Minh Tiến cùng hai Việt kiều khác đến nhờ Phạm Phú Lộc (Trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Hải quan Đồng Tháp) giúp đỡ. Lộc nhờ người làm khống hộ khẩu cho 3 Việt kiều để làm hồ sơ nhập khẩu ôtô theo dạng tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương (không phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng).

Phi sau đó mang 3 hồ sơ đến nộp tại Phòng Nghiệp vụ, Cục Hải quan Đồng Tháp. Sau khi cán bộ tiếp nhận, kiểm tra, lập báo cáo đề xuất thì Lộc là người trực tiếp chỉ đạo cấp phó phê duyệt và tham mưu cho Cục phó Hải quan Đồng Tháp cấp giấy phép nhập khẩu ôtô cho các Việt kiều. 

Ba ôtô (hai chiếc Lexus, một Toyota) được cấp phép nhập khẩu đều mới, đăng ký chưa được 3 tháng, với quãng đường đã chạy 19 - 48 km. Cơ quan chức năng xác định những xe này không đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định khi đó (ít nhất đã đăng ký 6 tháng và chạy được 10.000 km, tính đến khi về cảng Việt Nam). Tổng số thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng phải nộp đối với ba ôtô là 3,3 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, hai trong ba xe này đều của một Việt kiều Mỹ tên Helena Phạm. Để đưa hai ôtô này về Việt Nam, Helean thuê Trần Văn Bằng (31 tuổi) làm đại diện ký hợp đồng mua bán ôtô cho những người ở TP HCM. Công an TP HCM đã khởi tố, bắt giam Bằng và truy nã Helean Phạm về tội Buôn lậu.

Theo cáo trạng, để được giúp sức, Phi đã 14 lần chuyển vào tài khoản của Trưởng Phòng nghiệp vụ Phạm Phú Lộc với số tiền tổng cộng 460 triệu đồng. Tuy nhiên, cả hai đều khai số tiền này cho Lộc mượn để chữa bệnh nên cơ quan điều tra không đủ căn cứ xử lý Phi về hành vi Đưa hối lộ. Riêng Lộc bị bắt tạm giam hồi đầu năm nay.

Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện Lộc còn tham mưu cho lãnh đạo Hải quan Đồng Tháp cấp phép nhập khẩu ôtô cho 44 Việt kiều khác với cách thức tương tự. Tuy nhiên, do vụ án phức tạp, cần có nhiều thời gian nên cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ và không đặt ra xem xét trong vụ án này.

Riêng trường hợp Võ Minh Tiến không có cư trú tại nơi đăng ký hộ khẩu ở Đồng Tháp mà sinh sống ở TP HCM nhưng không có địa chỉ cụ thể. Người đàn ông Việt kiều này được xác định xuất cảnh lần lần cuối vào tháng 4/2016.

Theo Cửu Long (VnExpress.net)