Trong đó, cơ quan chức năng đã phát hiện có 158 tổ chức, cá nhân nhập khẩu 4.514 container không có Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu…
Từ ngày 6-12/9/2018, Tổng cục Môi trường đã thành lập 7 đoàn kiểm tra tại 7 cảng: Bà Rịa– Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Định, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng và TPHCM.
Qua kết quả kiểm tra cho thấy: Có 25.400 tấn xỉ hạt lò cao đang lưu tại kho của doanh nghiệp (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và 15.442 container phế liệu nhập khẩu đang lưu tại các cảng.
Trong đó, số container lưu dưới 90 ngày là 10.535 container, chiếm 68% và số tồn đọng quá 90 ngày là 4.907 container, chiếm 32%. Phần lớn các container đều chứa phế liệu nhựa và giấy. Số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng quá 90 ngày trên cả nước có tăng lên, sau cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25.7.2018.
Đặc biệt, qua thống kê có tổng số 274 tổ chức đứng tên người nhận phế liệu nhập khẩu. Trong đó, có 116 tổ chức có Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Giấy xác nhận) và 158 tổ chức không có Giấy xác nhận (158 tổ chức, cá nhân này có thể là những đối tượng buôn lậu phế liệu nhập khẩu).
Con số thống kê của Tổng cục Môi trường cho thấy: 158 tổ chức, cá nhân trên nhập khẩu 4.514 container phế liệu. Trong đó, số container lưu ở các cảng dưới 90 ngày là 2.209 container và trên 90 ngày là 2.305 container.
Để xử lý tồn đọng, Tổng cục Môi trường kiến nghị Tổng cục Hải quan, các Cục hải quan nơi có phế liệu nhập khẩu tồn đọng đối chiếu danh sách, phân loại phế liệu nhập khẩu của các tổ chức, cá nhân khai báo trên tờ khai E- Manifest. Tiến hành xác minh, làm rõ các tổ chức, cá nhân vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Việc xử lý đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm, theo hướng buộc tái xuất lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm. Trường hợp không thể tái xuất được sẽ được xử lý hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải.
Đối với các lô hàng phế liệu nhập khẩu vô chủ và lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm, không thể tái xuất được, sẽ phân loại, xử lý chất thải và tái chế phế liệu còn lại. Sản phẩm có giá trị thu được từ quá trình xử lý, tiêu hủy và tái chế phế liệu vô chủ hoặc vi phạm, sẽ được sử dụng để thanh toán cho việc xử lý, tiêu hủy.
Ngoài ra, lực lượng công an và hải quan khẩn trương điều tra, xác minh và làm rõ các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu phế liệu nhập khẩu, làm giả giấy tờ nhập khẩu phế liệu hoặc làm giả hồ sơ tạm nhập, tái xuất phế liệu nhập khẩu để trục lợi, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Hằng Vương (Thương Hiệu & Công Luận)