Chuyên gia y tế nói gì?
Trước đó, Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an quận Thanh Xuân) vừa phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 12 tiến hành kiểm tra đối tượng Phạm Văn Mạnh (SN 1997, quê Thái Nguyên) có biểu hiện nghi vấn đang chào bán hàng hóa tại khu vực cổng chợ thuốc Hapulico (địa chỉ tại số 85 Vũ trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn gần 300 thẻ đeo được quảng cáo là có thể "diệt virus" do nước ngoài sản xuất. Tất cả đều không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm định chất lượng.
Số thẻ này được các đối tượng công khai chào bán trên mạng có tác dụng phòng chống COVID-19.
Qua đấu tranh ban đầu, Mạnh khai nhận số thẻ này được nhập lậu từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam và được rao bán trên mạng xã hội với nội dung là khi đeo thẻ này có tác dụng làm sạch không khí xung quanh, ngăn chặn vi khuẩn, virus có hại gây nên những bệnh như COVID-19. Giá cho loại "thẻ đeo diệt virus" này có mức giá từ 200.000 - 300.000 đồng/sản phẩm.
Trước thông tin rao bán thẻ đeo diệt virus, vi khuẩn, ngừa bệnh dịch, thông tin với báo chí, PGS-TS Trần Đắc Phu - cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, hiện Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chưa có khuyến cáo về phương pháp phòng bệnh bằng loại thẻ này. Cơ quan y tế của Việt Nam cũng chưa nhận được thông tin chính thức từ các nhà khoa học hay chuyên gia phòng bệnh truyền nhiễm, chống dịch của các tổ chức quốc tế về việc đeo thẻ giúp phòng dịch bệnh. Trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào khuyên người dân sử dụng để phòng bệnh COVID-19.
PGS Trần Đắc Phu khuyên người dân thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế trong thực hành phòng chống bệnh do virus corona mới. Cách đơn giản nhất, hiệu quả nhất để phòng chống dịch do virus corona mới hiện nay vẫn là rửa tay bằng xà phòng và nước sạch ít nhất 20 giây, rửa tay liên tục trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi xuống xe ô tô, đi vào nơi làm việc và đeo khẩu trang ở nơi đông người, khi tham gia phương tiện giao thông công cộng…
"Đeo khẩu trang giúp phòng, chống bệnh đường hô hấp rất tốt, nhưng người dân nên dùng khẩu trang ở nơi có nguy cơ lây lan cao như khi đi phương tiện công cộng, đến bệnh viện. Nếu ngồi trong lớp học, văn phòng làm việc không cần thiết phải đeo khẩu trang..." - ông Phu khuyến cáo.
Nói về loại mặt hàng trên, chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Nhài (trú tại quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) cho biết: "Kể từ khi COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, gia đình tôi đã thực hiện đầy đủ những khuyến cáo của Bộ Y tế (rửa tay bằng xà bông, đeo khẩu trang khi tới nơi đông người…vv) để nhằm phòng chống dịch bệnh một cách tốt nhất. Về chiếc thẻ đeo được quảng cáo có thể diệt được COVID-19, mọi người trong gia đình tôi cũng có nghe qua, nhưng không có ý định mua để sử dụng. Bởi lẽ, những chiếc thẻ này không rõ nguồn gốc xuất xứ, công dụng thực sự thế nào cũng không có tổ chức y tế nào công nhận cả. Mặt khác giá thành mặt hàng này khá cao".
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Liên quan tới sự việc trên, trao đổi với PV, Luật gia Nguyễn Gia Hải (Đoàn Luật gia Việt Nam) bày tỏ quan điểm: Hành vi của đối tượng Mạnh, cụ thể là quảng cáo, giới thiệu công dụng của thẻ đeo kháng khuẩn hoàn toàn vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, bán hàng. Cụ thể, hành vi này đã vi phạm vào điều cấm của luật quảng cáo năm 2012 theo khoản 9, điều 8 của luật này:
"Điều 8. Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo
9. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố."
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 158/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo để có chế tài xử lý.
Tại Khoản 5 Điều 51: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này
Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này;
Như vậy, trên cơ sở tang vật, lời khai của đối tượng Mạnh mà cơ quan chức năng có thể xác định và quyết định mức xử phạt hành chính.
Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng đủ căn cứ, chứng cứ chứng minh hành vi của Mạnh đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì đối tượng hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo khoản 1 điều 197 của Bộ luật hình sự năm 2015 với hình phạt tiền lên đến 100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ lên đến 3 năm:
"Điều 197. Tội quảng cáo gian dối
1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm."
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm theo khoản 2 của điều luật này.
Theo Xuân Thắng (Giadinh.net.vn)