Cơ chế gây chết người của virus corona

21/02/2020 07:20:47

Tổn thương gây ra bởi nCoV đôi khi không do virus mà đến từ chính hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh. 

Hiện chưa có thông tin chính thức về việc vì sao tỷ lệ tử vong do virus corona chủng mới là tương đối nhỏ - khoảng 2% bệnh nhân, theo thống kê sơ bộ. Song, nCoV cướp đi sinh mạng cả các nhân viên y tế tuyến đầu lẫn người già yếu.

Dựa trên tài liệu sẵn có về các bệnh tương tự như SARS, các chuyên gia giả thiết sự khác biệt giữa nhiễm trùng gây chết người và một cơn cảm lạnh nặng. Điều này có thể phụ thuộc vào tương tác giữa virus và hệ thống miễn dịch.

Thông thường, virus tấn công và giết chết các tế bào. Yếu tố quyết định tính nghiêm trọng của bệnh là tình trạng miễn dịch theo tuổi tác, giới tính, di truyền và bệnh lý tiềm ẩn. Tổn thương ban đầu do virus có thể gây ra phản ứng miễn dịch quá mạnh, thậm chí phản tác dụng.

Matthew Frieman, một chuyên gia về virus tại Trường Y, Đại học Maryland cho biết: "Điều đầu tiên xảy ra sau khi nhiễm virus là các tổn thương nguyên phát và sự tấn công ồ ạt của tế bào gây viêm. Tổn thương này lớn đến mức hệ miễn dịch của cơ thể hoàn toàn bị choáng ngợp, gây ra phản ứng mạnh hơn, giải phóng thêm nhiều tế bào miễn dịch, dẫn đến những tổn thương khác."

Cơ chế gây chết người của virus corona
Nhân viên y tế làm việc trong một phòng thí nghiệm tại Trung Quốc.

Virus corona lây lan khi người bệnh hắt hơi hoặc ho, các giọt dịch thể bắn vào trong không khí, phát tán virus một cách rộng rãi, khiến chúng dính lên các bề mặt. Người khỏe mạnh chạm vào và vô tình đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm đặc biệt cao bởi họ phải tiếp xúc với một lượng lớn virus trong quá trình điều trị. Việc đeo máy thở cho người bệnh cũng có thể làm gia tăng khả năng mắc bệnh.

Sau khi lây nhiễm, virus bắt đầu nhân lên trong tế bào đường thở. Các chủng corona gây cảm lạnh thông thường dễ dẫn đến viêm đường hô hấp trên. Trong khi đó, SARS có xu hướng xâm nhập sâu vào phổi. Theo giáo sư Frieman, nếu virus corona đủ mạnh, các tế bào chết bị bong ra và tích tụ trong đường hô hấp, khiến việc thở trở nên khó khăn.

Anthony Fehr, chuyên gia về virus tại Đại học bang Kansas, cho hay: "Nếu virus nhân lên nhanh chóng, trước khi cơ thể có cơ hội ngăn ngừa bằng phản ứng miễn dịch, hoặc nếu phản ứng miễn dịch xảy ra quá muộn, nó không thể kiểm soát virus và bắt đầu trở nên rối loạn."

Các nhà khoa học gọi đây là "cơn bão cytokine" (Hội chứng phóng thích Cytokine), xảy ra khi hệ thống miễn dịch kích hoạt lượng lớn tế bào đến phổi để bảo vệ cơ thể. Khi đó, không chỉ virus, chính hệ thống này cũng gây tổn hại cho người bệnh.

Erica S. Shenoy, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết: "Kinh nghiệm điều trị các loại bệnh hô hấp khác cho thấy, đây là sự kết hợp giữa virus gây tổn thương đường thở, nhiễm trùng thứ cấp và yếu tố tương tác với phản ứng miễn dịch."

Điều gây ra phản ứng sai lệch giữa hệ thống miễn dịch và các loại hô hấp bao gồm tuổi tác, các bệnh mãn tính tiềm ẩn như tiểu đường, huyết áp cao.

Giáo sư Fehr cho hay: "Mỗi người đều khác nhau. Có rất nhiều yếu tố đan xen khi bạn nghiên cứu từng cá nhân, chẳng hạn như vì sao họ tử vong sau khi nhiễm virus hay họ đã sống sót vượt qua thế nào."

Vineet Menachery, một chuyên gia về virus tại Cơ sở Y khoa Đại học Texas, đặt ra giả thiết, nCoV có cơ chế hoạt động tương tự SARS. Khi xâm nhập sâu vào phổi, nó có thể phá hủy phế nang - "túi đựng" oxy của cơ thể. Tổn thương gia tăng khiến mô phổi cứng lại. Tim phải làm việc nhiều hơn để bơm lượng oxy hiếm hoi đến các cơ quan khác.

"Thứ khiến cho chủng virus mới nguy hiểm là do bệnh nhân bị mất chức năng phổi, gây áp lực lên mọi cơ quan trong cơ thể bạn", giáo sư Menachery nói.

Ở những bệnh nhân đã hồi phục, phản ứng của hệ thống miễn dịch thành công trong việc giảm viêm và loại bỏ virus. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa rõ về kết quả lâu dài ở những người bệnh này.

Linh Phan (Theo Washington Post)

Nổi bật