Bị hại trong vụ án là ông P. (53 tuổi, trú cùng địa phương). Đáng chú ý, đây là vụ án với nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến mối quan hệ được cho là bất chính giữa bị hại và vợ bị cáo.
Mất xe máy vì “ăn vụng” vợ người khác
Hồ sơ vụ án cho thấy khoảng 22 giờ ngày 28-1-2015, ông P. đi xe máy đến nhà để gặp bà T. (vợ Hạnh). Vừa đến cổng, bà T. vội dắt chiếc xe của ông P. vào trong nhà, sau đó thì hai người "tâm sự" với nhau.
Tuy nhiên chỉ ít phút sau, cả hai đã bị Hạnh phát hiện. Nhìn thấy cảnh vợ mình đang quấn quýt với người đàn ông khác, lại sẵn đoạn gậy gỗ bên cạnh, Hạnh nổi khùng lao đến vụt tới tấp vào người ông P. Vừa đánh, Hạnh vừa gào thét sẽ báo công an và gọi vợ ông P. đến giải quyết.
Ông P. cuống quýt thanh minh, đồng thời xin Hạnh được giải quyết tình cảm. Theo đó, ông P. tự nguyện đền bù cho đối phương chiếc xe máy của mình.
Về đến nhà và sơ cứu các vết thương xong, ông P. liền đến công an xã trình báo vụ việc.
Ngày 5-5-2016, TAND huyện Mê Linh đưa Hạnh ra xét xử và tuyên phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội danh cưỡng đoạt tài sản.
Ngay sau đó, ông P. đã có đơn kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt đối với Hạnh, đồng thời xem xét vai trò của bà T. trong vụ án. Ông P. cho rằng mình đã bị vợ chồng đối phương gài bẫy nhằm chiếm đoạt chiếc xe máy và xù món nợ chưa trả.
Bị cáo Kiều Đức Hạnh tại tòa phúc thẩm |
Tại tòa, ông P. một mực khẳng định mình bị sắp đặt từ trước. Cụ thể, vào tối hôm đó, ông đang hát karaoke thì nhận được tin nhắn của bà T. bảo đến nhà nhờ chút việc. Tưởng được mời đến để trả nợ, ông P. nhận lời ngay.
Đến nơi, bà T. chỉ dẫn ông đi vào buồng ngủ rồi bất ngờ phanh áo ra, ghì đầu ông xuống. Và chỉ chớp mắt sau đó, Hạnh đột ngột xuất hiện, đánh ông tới tấp.
Ông P. cũng cho rằng ngoài chiếc xe máy, ông còn bị vợ chồng Hạnh ép phải viết giấy nhận nợ 100 triệu đồng nhằm xù nợ. Bởi trước đó, vợ chồng Hạnh từng vay của ông này một món tiền khá lớn.
Ngược lại, đứng trước vành móng ngựa, Hạnh luôn khẳng định việc cưỡng đoạt tài sản là xuất phát từ việc ông P. đã “tòm tem” vợ mình.
Hạnh khai hôm xảy ra vụ án, bị cáo đi Hà Nội có chút việc, đến khoảng 23 giờ thì về đến nhà. Bước tới cổng, Hạnh thấy phòng khách phía ngoài tối om và khóa trái, thế nhưng phòng ngủ lại vẫn sáng đèn nên nảy sinh nghi ngờ và vụ việc xảy ra sau đó như đã biết
Nói về chiếc xe máy, Hạnh khai ông P. để lại là do hoàn toàn tự nguyện. Bị cáo một mực phủ nhận việc ép ông P. viết giấy nhận nợ 100 triệu đồng.
Trước những tranh cãi trên, HĐXX cho rằng giả sử vợ chồng Hạnh có ý đồ cài bẫy, nhưng nếu ông P. là người đàng hoàng thì vụ án đã không xảy ra. Bởi sau khi được bà T. mời đến, thay vì đi vào nhà bằng cửa chính, ông P. lại trèo qua tường rào phía sau. Bản thân ông đã chấp nhận sự chèo kéo của bà T. nhân lúc Hạnh đi vắng.
“Đứng ở góc độ đạo đức và pháp luật thì việc bị hại vào phòng ngủ của chị T lúc đêm khuya là rất không bình thường, còn hành vi của bị cáo đã cấu thành tội nên phải đứng trước vành móng ngựa ngày hôm nay” – vị chủ tọa nghiêm nghị.
Với nhận định trên, HĐXX xét thấy các nội dung kháng cáo của ông P. là không có căn cứ để chấp thuận nên đã giữ nguyên bản án tòa sơ thẩm đã tuyên.