Gần 100 đối tượng sa lưới
Theo đó, bị can Trí và Lê Ngọc Đăng (hay gọi là Khoa “Điên”, SN 1994) cùng bị đề nghị truy tố về tội “cố ý gây thương tích”, “hủy hoại tài sản” và “gây rối trật tự công cộng”. Bị can Đào Trung Hiếu (SN 1992), Trương Tấn Tài (SN 1990) và Phan Thanh Phong (SN 1999) cùng bị đề nghị truy tố tội “gây rối trật tự công cộng”. Theo điều tra, ngày 02-6-2020, Hồ Chí Linh (SN 1992) đứng xem một nhóm phụ nữ đánh nhau tại phường An Lạc A, quận Bình Tân thì bị một nhóm thanh niên đuổi đánh. Nghi ngờ do nhóm của Mai Nguyễn Xuân Thành (SN 1996) thực hiện, Linh gọi một số người chuẩn bị hung khí để trả thù.
Đến 23 giờ ngày 04-6-2020, Linh cùng đồng bọn mang hung khí đến nhà Thành, chém Thành bị thương và đập phá đồ đạc. Xem lại camera, thấy Vương Tấn Phát có tham gia vào vụ đập phá cùng nhóm của Linh, Thành nhắn tin trong nhóm “Long Gia” trên Facebook tập hợp đồng bọn tìm Phát trả thù nhưng không gặp.
Biết tin, Phát điện thoại nhờ Trần Thanh Tuấn (hay gọi là Tuấn B, SN 1984) tìm người, chuẩn bị hung khí để đối phó. Đến khoảng 20 giờ ngày 05-6-2020, Thành, Trí và hơn 60 thanh niên điều khiển xe gắn máy, mang hung khí chạy qua một số tuyến đường ở quận Bình Tân rồi đến quán nhậu Ốc Hương (phường An Lạc A) tìm đối thủ, gây náo loạn đường phố. Tránh “phe ta đánh phe mình”, các đối tượng mặc áo màu cam để phân biệt. Tại quán Ốc Hương, “băng áo cam” không thấy đối thủ mà thấy anh Lâm Thành Long đang ngồi trong quán lấy điện thoại ra nghe. Tưởng anh Long quay clip, Thành hô hào đàn em xông vào đập phá quán và đâm anh Long bị thương tích 35%.
Vào cuộc điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM đã bắt giữ Hồ Chí Linh, Mai Nguyễn Xuân Thành cùng 84 người khác. Riêng Trí “Nhảm” và Khoa “Điên” bỏ trốn và bị cơ quan điều tra phát lệnh truy nã. Cơ quan CSĐT Công an TPHCM sau đó đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 69 người về tội “gây rối trật tự công cộng”, một người bị cáo buộc phạm tội “cố ý gây thương tích” và 16 người bị đề nghị xử lý về 3 tội danh gồm “cố ý gây thương tích”, “hủy hoại tài sản”, “gây rối trật tự công cộng”.
Xử lý triệt để nhằm răn đe chung
Vụ án “áo cam” từng gây xôn xao dư luận, nên sau khi vụ việc xảy ra Ban Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo Công an quận Bình Tân, Phòng CSHS nhanh chóng điều tra bắt giữ các đối tượng, xử lý triệt để làm bài học răn đe, giáo dục chung.
Đến trước tháng 9-2022, tổng số đối tượng bị bắt để điều tra xử lý là 93, tuy nhiên một số đối tượng cầm đầu vẫn còn ngoài vòng pháp luật nên Phòng CSHS vẫn kiên trì đeo bám vụ việc với quyết tâm cao. Cuối tháng 8-2022, Phòng CSHS nắm được nguồn tin có một số đối tượng xăm trổ đầy mình, hành vi bất minh, thường thoắt ẩn thoắt hiện, đi về lén lút tại một ngôi nhà vườn nằm sâu sau cánh rừng thuộc nông trường Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.
Khi đã xác định được thời cơ đánh án phù hợp, Đội Hình sự đặc nhiệm và Đội Trọng án, với 20 cán bộ, chiến sĩ, dưới sự chỉ huy tại hiện trường của Thiếu tá Phạm Ngọc Tuấn Dũng đã có mặt vào lúc 20 giờ ngày 05-9-2022. Công an địa phương nhận được thông báo của Phòng CSHS cũng kịp thời hỗ trợ. CBCS Phòng CSHS đã ập vào “sào huyệt” trong sự ngỡ ngàng của tất cả những người có mặt. Có chút bất ngờ nhưng các đối tượng kịp thời có phản ứng nhanh bằng việc bao vây ngược lại “nhóm người lạ mặt” và dùng dao lê, mã tấu chống trả.
Khi biết rõ “người lạ” là CSHS chứ không phải các băng nhóm đối thủ, nhóm người trong nhà mới chịu buông hung khí. Việc di tản những người không liên quan ra khỏi khu vực nguy hiểm được thực hiện khẩn trương. Ba đối tượng chủ mưu Khoa, Trí và Tài lần lượt tra tay vào còng.
Theo Minh Trung - Trúc Giang (Công an TPHCM)