Công an TP.HCM vừa ra thông báo truy tìm một số đối tượng liên quan đến 200 thanh niên phá quán ốc Sài Gòn, trong đó có Dương Đại Trí, nghi can cầm đầu.
Theo thông tin, Trí là người kết nối bạn bè thuê trên mạng các đối tượng từ 13 – 14 tuổi với giá 100 nghìn đồng một số ít được Trí trả 400 nghìn đồng. Đây chủ yếu là những thanh niên bỏ học, ở quên lên và không có công ăn việc làm. Để tránh nhầm lẫn, Trí cho tất cả băng nhóm mặc áo cam.
Thông tin mà các đối tượng khai khiến dư luận bàng hoàng. Hàng trăm thanh niên chỉ vì 100-400 nghìn đồng mà sẵn sàng bán mạng cho kẻ khác để tham gia vào những cuộc đâm chém. Tại sao họ lại hành động như vậy?
Trao đổi cùng Kiến Thức về vấn đề này, chuyên gia tâm lý PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Trường đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, để lý giải về hành vi vì sao các bạn thanh niên này lại lựa chọn lối sống trái với quy định của pháp luật, giá trị đạo đức và văn hóa của mọi người, hay nói cách khác, các bạn đang lựa chọn lối sống hành vi lệch chuẩn, và coi đó giống như thước đo về nhân cách, sự phát triển về mặt con người của mình cần nhìn nhận ở hai góc nhìn tâm lý và xã hội.
Về mặt tâm lý, các bạn ở lứa tuổi 13-14 đang là tuổi dậy thì, có nhiều biến đổi về tâm sinh lý. Ở lứa tuổi này, các bạn dễ dàng manh động, nhất là các bạn trai thích thể hiện, bộc lộ cá tính, thích được người khác tôn trọng.
Nhất là các bạn học sinh lựa chọn lối sống tự do, giang hồ nhưng thiếu đi sự kiểm soát dạy dỗ của cha mẹ và từ chối học tập ở nhà trường thì rất dễ dàng tạo ra nhóm, môi trường để yếu tố bản năng trỗi dậy.
“Các hành vi bạo lực xuất phát từ yếu tố bản năng rất lớn trong con người như bản năng tấn công người khác, bản năng chiếm hữu, bản năng đe dọa và quyền lực… Qua văn hóa, các hành vi bạo lực sẽ được kiểm soát đi.
Ở lứa tuổi vị thành niên này luôn bộc lộ những yếu tố bản năng, sự thay đổi trỗi dậy là với suy nghĩ tôi muốn độc lập, thể hiện bản thân và sống theo cách mà các bạn cho là đúng. Và các bạn mong muốn được người khác cổ vũ, đồng tình” - PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho hay.
Ngoài ra, vị chuyên gia phân tích thêm, nếu để các bạn riêng lẻ một mình sẽ không dám manh động, nhưng ở trong một cộng đồng, băng nhóm của các bạn, họ tung hô các hành vi bạo lực, tung hô các hành vi “xả thân vì nghĩa” thì các bạn sẽ trở nên dễ dàng bị kích động.
Và khi tâm lý bị kích động, bản thân có thể làm những việc đánh đổi mạng sống của mình để dành lấy những giây phút thăng hoa.
Về yếu tố xã hội, sự tác động rất lớn của truyền thông như yếu tố liên quan đến game, yếu tố bạo lực đang diễn ra trên internet và mạng xã hội mà mọi thước phim, hình ảnh không được kiểm soát chặt chẽ.
Lúc này, các bạn trẻ đang có lối sống bản năng, lựa chọn lối sống bạo lực như thước đo của sự trưởng thành thì cộng với tác động của game, mạng xã hội của các bạn ấy, sự biến đổi của xã hội khi giá trị vật chất lên ngôi sẽ tạo nên một nhóm người trẻ lao vào cái chết để được thể hiện sự hiếu thắng bồng bột, cũng như bản năng của mình.
Một chuyên gia tâm lý tội phạm cho hay, với độ tuổi chưa có suy nghĩ chính chắn như 13-14 tuổi, bỏ học, không công ăn việc làm và bị ảnh hưởng bởi các nguồn bạo lực như game, hình ảnh bạo lực, sự tung hô của nhiều người cùng nhận thức… thì không chỉ với 100.000đ, kể cả không có tiền họ cũng sẽ đi theo băng nhóm để được thể hiện bản thân. Bởi lúc này, tiền chỉ là yếu tố rất yếu so với sự kích động của tinh thần mà họ cho là “anh hùng”.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng, pháp luật cần mạnh mẽ với các băng nhóm này nhằm trừng trị, răn đe, cảnh báo các thanh niên có suy nghĩ lệch chuẩn với xã hội, cũng như kiểm soát tình trạng tội phạm băng nhóm, giảm sự nguy hiểm cho xã hội.
Theo Hà Trang (Kienthuc.net.vn)