'Đất vàng' đưa nhiều người vào vòng lao lý

24/02/2022 11:16:43

Giá đất tại các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên đã tăng gấp 10 lần trong vòng 10 năm trở lại đây đã kéo theo nhiều hệ quả, trong đó có việc hàng loạt cán bộ, lãnh đạo vào vòng lao lý

Ngày 21-2, TAND TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đã tuyên án vụ "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" đối với 10 bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên Chi cục Thuế Phan Thiết, Văn phòng Đăng ký đất đai của thành phố này khi tham gia cấp phép chuyển mục đích sử dụng 166 thửa đất.

Hàng loạt cán bộ sai phạm

Trước đó không lâu, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 5 người nguyên là chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận liên quan vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (TP Phan Thiết). Ngoài ra, hiện CSĐT Bộ Công an cũng đang thụ lý điều tra 8 dự án có dấu hiệu vi phạm, phần lớn là các dự án bất động sản sở hữu vị trí đắc địa, nằm trên địa bàn TP Phan Thiết.

Còn vào đầu tháng 1-2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị truy tố 7 cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, gồm: Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh là 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Mộng Điệp và Võ Tấn Thái là cựu Giám đốc Sở TN-MT; Lê Văn Dẽ, cựu Giám đốc Sở Xây dựng; Trần Văn Hùng, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai - Sở TN-MT. Khi đương chức, 7 cựu cán bộ, lãnh đạo tỉnh này đã mắc nhiều sai phạm trong việc giao đất cho hàng loạt dự án "đất vàng".

'Đất vàng' đưa nhiều người vào vòng lao lý
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng bị bắt vì sai phạm đất đai Ảnh: KỲ NAM

Tại Kon Tum, ngày 22-2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này cũng đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại huyện Đắk Hà, sau khi Báo Người Lao Động có bài viết phản ánh. Qua điều tra bước đầu đã xác định trong giai đoạn 2017-2019, UBND huyện Đắk Hà tổ chức đấu giá trọn gói 3 khu đất không đúng quy định pháp luật. Đơn cử dự án khai thác phát triển kết cấu hạ tầng tại khu vực tổ dân phố 9, thị trấn Đắk Hà, có tổng diện tích 24,7 ha, dù chưa có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng UBND huyện Đắk Hà đã cho triển khai thực hiện. Không những thế, UBND huyện Đắk Hà còn lấy chứng thư định giá đất cũ từ năm 2016, 2017, đã hết hiệu lực để làm cơ sở định giá đất năm 2018. Ông Kpah Thành, Bí thư Huyện ủy Đắk Hà, khẳng định: "Tôi đã đề nghị làm rõ việc tham mưu của Phòng TN-MT cho UBND huyện để xảy ra các sai phạm".

Giao đất không qua đấu giá, sai đối tượng

Qua điều tra bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum còn xác định trong 2 năm 2017, 2018, Phòng TN-MT huyện Đắk Hà đã tham mưu cho UBND huyện Đắk Hà ký quyết định giao đất không qua đấu giá, không đúng đối tượng 81 lô đất ở cho 54 trường hợp với tổng diện tích gần 24.000 m2, trị giá trên 5,8 tỉ đồng.

Liên quan đến dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 mà 5 quan chức tỉnh Bình Thuận vừa bị bắt có tổng diện tích 9,26 ha, được UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng do có nhiều mồ mả, mất mỹ quan nên nhiều lần thông báo đấu giá nhưng không có khách hàng tham gia (?). Vì vậy, đến tháng 2-2017, UBND tỉnh Bình Thuận đồng ý giao khu đất trên cho Công ty CP Tân Việt Phát với giá khởi điểm được tính từ năm 2013 mà không qua đấu giá. Chính những sai phạm này đã đẩy các quan chức tỉnh Bình Thuận vào trại tạm giam. Ngoài dự án trên, hiện có còn 2 dự án với diện tích lớn không qua đấu giá ở Bình Thuận cũng đang bị Bộ Công an "sờ gáy". Đó là dự án lấn biển, bố trí sắp xếp khu dân cư, chỉnh trang đô thị phường Đức Long (rộng gần 123 ha) và dự án Trường Mầm non Lê Quý Đôn, phường Phú Thủy (rộng 5.000 m2).

'Đất vàng' đưa nhiều người vào vòng lao lý - 1
Dự án Tân Việt Phát 2 khiến nhiều cán bộ tỉnh Bình Thuận vướng lao lý Ảnh: HỢP PHỐ

Luật sư Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, cho rằng cần phải giải quyết tình trạng nhập nhằng trong khâu giao, quản lý đất, phải kiên quyết làm theo luật để không xảy ra các sai phạm. "Vướng mắc liên quan đến pháp lý là do cơ quan tham mưu làm không đúng nhưng cứ lấp liếm. Trong khi đó, chính quyền thì lại nghe tham mưu nhưng thiếu tiếp nhận phản biện từ nhiều chiều" - luật sư Thiện nói. Ông cho hay đã từng đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Thuận xem lại việc giao đất ở dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 nhưng bị bỏ ngoài tai.

Trong 7 cựu cán bộ, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bị bắt, nhiều người liên quan đến 2 dự án BT "đất vàng" Trường Chính trị (số 1 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang) và dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu tổ hợp khách sạn - căn hộ du lịch cao cấp Nha Trang Golden Gate (ở 28E Trần Phú, TP Nha Trang). Theo Cơ quan CSĐT, việc thực hiện các dự án này mắc nhiều sai phạm, như giao đất không có trong quy hoạch, không qua đấu giá.

Ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xét xử công khai, đúng quy định của pháp luật đối với một số vụ việc, vụ án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và đang nhận được sự đồng tình trong dư luận. "Bên cạnh đó phải tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực trong công tác cán bộ" - ông Toàn nói. 

"Bẫy" hiến đất làm đường

Công an tỉnh Lâm Đồng đang điều tra 14 khu đất có biểu hiện hiến đất làm đường nhưng thực chất là phân lô bán nền không đúng quy định tại TP Bảo Lộc. Hiện hàng loạt cá nhân, tập thể đã bị xử lý kỷ luật vì vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất và đầu tư xây dựng trên địa bàn TP Bảo Lộc. Trong kết luận của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng nêu rõ trách nhiệm các chủ tịch, phó chủ tịch các nhiệm kỳ gần đây cũng như giám đốc Sở TN-MT trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất và đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, đặc biệt là việc chỉ đạo áp dụng quy định về hiến đất mở đường chưa đúng quy định của pháp luật nhưng không có biện pháp phát hiện, xử lý kịp thời.

Theo Hợp Phố - Kỳ Nam - Hoàng Thanh - Đình Thi (Nld.com.vn)

 

Nổi bật