Hàng loạt ngân hàng rầm rộ rao bán 'đất vàng', penthouse để siết nợ

28/01/2022 19:34:25

Nhiều ngân hàng đồng loạt rao bán penthouse hay hàng nghìn mét vuông “đất vàng” tại TP.HCM để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp.

 

Rao bán nợ

Thời gian gần đây, các ngân hàng đang đẩy mạnh thanh lý các khoản nợ xấu. Trên website của các ngân hàng thương mại, đủ loại tài sản được đưa ra chào bán, từ ô tô, chứng khoán tới nhà đất…, với giá trị từ vài tỷ tới hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng.

Sacombank đang rao bán 19 căn hộ, trong đó có 10 căn penthouse đang ở mức thô, còn lại đã hoàn thiện cơ bản thuộc dự án Xi Grand Court. Các căn hộ có giá khởi điểm thấp nhất là 3,052 tỷ đồng, diện tích thông thủy 47,9m2, diện tích tim tường 53m2 ở tòa C tầng 18, gồm 1 phòng ngủ và 1 phòng vệ sinh.

Còn 4 căn hộ penthouse ở tòa B, tầng 28 và 29 giữ mức giá khởi điểm cao nhất là 9,122 tỷ đồng, trong đó 2 căn có diện tích thông thủy 70,78m2 và tim tường 101,6m2, 2 căn còn lại diện tích thông thủy và tim tường lần lượt là 59,37m2 và 64m2.

Hàng loạt ngân hàng rầm rộ rao bán 'đất vàng', penthouse để siết nợ
Rao bán đất vàng, penthouse để siết nợ

Ngoài ra, Sacombank cũng đang rao bán nhiều dự án bất động sản tại TP Hồ Chí Minh, như: Khoản nợ 596 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Địa ốc Vạn Phát, được bảo đảm bằng 40 triệu cổ phiếu CTCP Bất động sản Đô Thành (DTR); khoản nợ 1.143,3 tỷ đồng của Công ty TNHH Bất động sản Phước Trí, được bảo đảm bằng quyền sử dụng 7.016,9m2 đất tại số 201-203 Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình.

Agribank vừa thông báo đấu giá 6 quyền sử dụng đất tại địa chỉ 20 Trần Cao Vân, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM với giá khởi điểm 430 tỷ đồng. Bất động sản này là tài sản đảm bảo khoản vay của Công ty TNHH Phát triển Địa ốc Sài Gòn Mới.

Đây là một trong những vị trí đắc địa tại trung tâm TP.HCM khi cách Công Trường Quốc Tế (Hồ Con Rùa) chỉ khoảng 200m. Tại địa chỉ khu đất đang được Agribank rao bán nói trên, nhiều thương hiệu ăn uống, thời trang vẫn đang kinh doanh.

Trước đó, Agribank chi nhánh Mỹ Đình thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ của Xuân Lãm và chi nhánh công ty tại Hà Nội theo 2 hợp đồng tín dụng được ký vào năm 2013. Toàn bộ giá trị khoản nợ được đấu giá là 312,5 tỷ đồng, trong đó, nợ gốc là 122,1 tỷ đồng, nợ lãi 190,4 tỷ đồng.

BIDV vừa thông báo bán đầu giá tài sản CTCP Kiến trúc và xây dựng Archplus lần thứ 10. Đây là khoản nợ liên quan tới ông Trương Việt Bình, được biết đến là người sáng lập thương hiệu thời trang NEM. Khoản nợ đến ngày 15/4/2021 có giá trị hơn 498 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 257 tỷ, nợ lãi là 174 tỷ và phí phạt quá hạn hơn 67 tỷ đồng.

Đáng chú ý, giá khởi điểm của khoản nợ được đưa ra lần này là 257 tỷ đồng, bằng với dư nợ gốc và bằng giá khởi điểm được đưa ra trong lần thông báo đấu giá thứ 9 (giữa tháng 10/2021).

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 1.431,3m2 tại số 545 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, TP Hà Nội. Thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày 19/05/2005.

Không dễ bán 

Mặc dù thị trường bất động sản tăng nóng, nhiều khu đất vàng tăng giá nhưng việc rao bán các khoản nợ bằng bất động sản không hề dễ dàng. Mỗi lần rao bán không thành công, BIDV sẽ giảm giá khoảng 10%. Sau 9 lần rao bán, ngân hàng đã giảm giá khoảng một nửa giá trị khoản nợ. Việc ngân hàng dừng giảm giá lần thứ 10 cho thấy BIDV muốn ít nhất thu hồi được đủ nợ gốc.

Dù đã "đại hạ giá" rất nhiều lần trong suốt 3 năm qua, nhưng cơ quan thi hành án vẫn chưa bán được hết khối tài sản của Công ty CP Thuận Thảo (TP Tuy Hòa, Phú Yên) để giải quyết khoản nợ của công ty này.

Gói thứ nhất là khối tài sản phía bắc đường Hải Dương (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) gồm khách sạn 5 sao CenDeluxe cao 17 tầng và khu trung tâm hội nghị - triển lãm và dịch vụ Thuận Thảo (Hitech) được xác định có tổng giá trị hơn 491 tỷ đồng; khu Thuận Thảo Land hơn 62 tỷ đồng. Gói thứ hai là khối tài sản phía nam đường Hải Dương, gồm khu trung tâm giải trí và sinh thái Thuận Thảo, khu mở rộng trung tâm giải trí và sinh thái Thuận Thảo có tổng giá trị hơn 117,6 tỷ đồng.

Hàng loạt ngân hàng rầm rộ rao bán 'đất vàng', penthouse để siết nợ - 1
Nhiều bất động sản rao bán không có ai mua dù giảm giá nhiều lần

Khu Thuận Thảo Land phải 15 lần giảm giá mới bán đấu giá được với số tiền gần 31 tỷ đồng (giảm hơn một nửa so với định giá ban đầu), nhưng mới đây bên trúng đấu giá đã liên hệ với cơ quan thi hành án để thỏa thuận hủy hợp đồng mua bán nêu trên.

Riêng nhóm tài sản còn lại trong gói 1 (khách sạn CenDeluxe và khu Hitech) đã giảm giá lần thứ 17, thông báo tổ chức đấu giá lần thứ 18, tài sản giảm từ trên 491 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 202 tỷ đồng nhưng vẫn không có người tham gia đăng ký đấu giá, trả giá.

Theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên, việc bán đấu giá tài sản của Thuận Thảo thời gian qua rất khó khăn dù đã nhiều lần giảm giá, đến nay có thể nói ở mức "đại hạ giá" nhưng vẫn chưa thể bán hết được. 3 năm qua cơ quan thi hành án mới chỉ bán đấu giá được khu resort Thuận Thảo sau 4 lần giảm giá, thu được hơn 42,2 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân nhiều bất động sản liên tục hạ giá mà vẫn khó bán, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, với những người mua nhà để ở thì họ không mặn mà, một phần do quan niệm tránh những nơi chủ cũ làm ăn “bết bát” để né “dớp”, chưa kể việc mua các bất động sản thanh lý có thể bị vướng vào rắc rối về pháp lý.

Bên cạnh đó, không ít tài sản bảo đảm đã được định giá cao hơn giá trị thực tế khi phê duyệt khoản vay. Do đó, khi thanh lý, các ngân hàng thường có xu hướng định giá theo giá trị khoản nợ mà không sát với giá thị trường.

Thực tế, nhu cầu đối với bất động sản phát mãi không nhỏ, kể cả với bất động sản có giá trị lớn, nhưng để cung - cầu gặp nhau thì tài sản phát mãi cần được đảm bảo đẩy đủ về pháp lý, thuận lợi trong việc chuyển giao và quan trọng nhất là có mức giá phù hợp.

Theo Anh Tú (VietNamNet)

Nổi bật