Đằng sau hành trình phá án vụ giết 6 người ở Bình Phước

14/07/2015 07:56:00

Áp lực phá án không chỉ đè nặng lên Công an Bình Phước mà có thể nói là toàn ngành công an trước vụ án rúng động.

Áp lực phá án không chỉ đè nặng lên Công an Bình Phước mà có thể nói là toàn ngành công an trước vụ án rúng động.

Đại tá Trần Thắng Phúc – Giám đốc Công an Bình Phước kể, sau khi phát hiện vụ án giết 6 người tại biệt thự của gia đình ông Lê Văn Mỹ (SN 1968), ông đã huy động lực lượng các phòng nghiệp vụ công an tỉnh và công an huyện Chơn Thành đến hiện trường.

Thấy hiện trường quá kinh hoàng, 6 người bị sát hại một cách dã man, ngay lập tức ông báo cáo về Bộ Công an.

Công tác khám nghiệm hiện trường thực hiện nhiều ngày đêm liền...

“Ngay từ giai đoạn ban đầu, anh em chúng tôi xác định sẽ không ăn, không ngủ, quyết bắt được bằng được hung thủ trước khi đưa tang 6 nạn nhân” - đại tá Phúc nhấn mạnh.

Giám đốc Công an Bình Phước cho biết thêm, cả trăm công nhân làm cho công ty Quốc Anh, những người khả nghi, đều được gọi lên làm việc, lấy lời khai... Trong khi đó, hiện trường được phong tỏa khám nghiệm, thu nhặt từng dấu vết bất kể ngày đêm.

Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự nói: do xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên ngoài lực lượng của Cục và phân viện Khoa học kỹ thuật hình sự; Bộ Công an còn cử 30 điều tra viên, trinh sát thiện chiến từng tham gia các vụ án lớn lên đường hỗ trợ...

Ngày thứ hai sau vụ án, Đại tướng Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an đã có mặt tại gia đình nạn nhân để động viên, chia buồn... và chỉ đạo phá án. Trước gia đình 6 nạn nhân, người đứng đầu ngành công an hứa “sẽ tập trung tất cả nguồn lực, khả năng có thể để sớm truy bắt được hung thủ trong thời gian sớm nhất, phần nào xoa dịu nỗi đau gia đình...”. Áp lực phá án càng nặng nề hơn với lực lượng phá án.

Chiều hôm đó, Công an Bình Phước ra quyết định khởi tố vụ án “giết – cướp”. Một ban chuyên án được thành lập do Trung tướng Phan Văn Vĩnh – Tổng cục cảnh sát làm trưởng ban; 2 phó ban là đại tá Phúc và thiếu tướng Tiến. Ngoài ra, Bộ công an lập một ban chỉ đạo ban chuyên án, do thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng ban, có 4 tướng và 1 đại tá làm phó ban.

Đại tướng Trần Đại Quang – Bộ trưởng Công an hứa trước gia đình 6 nạn nhân “sẽ tập trung tất cả nguồn lực, khả năng có thể để truy bắt hung thủ”.

Chưa dừng lại, Bộ Công an còn huy động lãnh đạo công an 9 tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên; tổ chức họp khẩn tại Bình Phước trong sáng 9/7 để phá án.

Đây được xem là chuyện xưa nay hiếm trong ngành công an. Khi mà tất cả nguồn nhân lực quan trọng của Bộ và công an tỉnh thành phía Nam được huy động vào cuộc, phục khám phá một vụ án hình sự, được đánh giá đặc biệt nghiêm trọng hiếm có từ trước tới nay.

Nhận định đúng hướng…

Trao đổi về những khó khăn mà ban chuyên án vấp phải khi điều tra vụ án, thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến cho biết: đó là hiện trường vụ án mạng quá rộng, trong khuôn viên biệt thự gồm nhà xưởng lên đến hàng ngàn mét vuông.
 
Ngoài ra, gia đình nạn nhân có cả trăm công nhân làm việc, có mối quan hệ làm ăn, xã hội rộng...nên việc lấy lời khai trở thành công việc có khối lượng cực lớn.

Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến. Ảnh: Đinh Tuấn 

“Nhưng điều quan trọng là ngay từ đầu ban chuyên án đã nhận định và mở hướng điều tra đúng, xác định là giết – cướp hay ghen tuông. Người dân còn cung cấp thông tin về lúc rạng sáng ngày 7/7 có thấy 2 đối tượng đi trên một xe gắn máy có mặt khả nghi trước ngôi nhà. Thông tin đó đã giúp chúng tôi rất nhiều”, tướng Tiến hé lộ.

Chính vì có hướng điều tra đúng hướng và việc thu giữ dấu tay có vết máu của kẻ tình nghi, đã giúp công an thu hẹp dần đối tượng điều tra nhắm đến.

Một trong những kẻ tình nghi rơi vào tầm ngắm của ban chuyên án chính là Nguyễn Hải Dương (SN 1991, quê An Giang, ngụ huyện Hóc Môn), vốn trước đây làm việc tại công ty Quốc Anh, là người có quan hệ tình cảm với nạn nhân Lê Thị Ánh Linh (SN 1991, con ông Mỹ). Đến chiều 9/7, ban chuyên án quyết định “ốp” đưa Dương về khai thác.

Đối tượng Dương dù chưa có tiền án, tiền sự nhưng vì đã vạch rõ kế hoạch tội ác từ trước nên rất tự tin, bình tĩnh khi mời về làm việc. Nghi phạm này tỏ ra quanh co, nói đêm hôm đó đã đi nhậu...

Hai nghi can Dương và Tiến

14h chiều 10/7 ban chuyên án quyết định tung chiêu cuối, đặt lên bàn những chứng cứ, đặc biệt là kết quả giám định vết máu của kẻ gây án lưu lại hiện trường. Dương sụp đầu xuống, khai báo.

Trong chiều tối hôm đó, đồng bọn của Dương, là Vũ Văn Tiến (SN 1991, quê Bình Phước, ngụ huyện Hóc Môn) đã bị tóm gọn mà chính hắn không ngờ đến.

Lực lượng hàng trăm con người tham gia phá án, suốt 4 ngày đêm không ngủ thở phào nhẹ nhõm. Cuộc gọi thông báo với Đại tướng Trần Đại Quang được thực hiện ngay khi ông đang dự cuộc họp quan trọng ở một tỉnh thành khác.

Và như thế, lời hứa của người đứng đầu ngành công an với gia đình, trước vong linh của 6 người xấu số, đã được thực hiện trọn vẹn...

Doanh nghiệp tặng nóng cho ban chuyên án 1 tỷ đồng

Trao đổi với P.V, ông Bùi Pháp – chủ tịch HĐQT một tập đoàn có trụ sở tại Gia Lai cho biết, doanh nghiệp ông vừa có quyết định thưởng nóng ban chuyên án khám phá vụ án giết - cướp xảy ra ở Bình Phước, số tiền 1 tỷ đồng. Số tiền này ông Pháp xác nhận, đã chuyển đến ban chuyên án.

>> Vũ Văn Tiến khai đã ba lần muốn dừng tay thảm sát
>> Thảm sát ở Bình Phước: Phê chuẩn khởi tố, bắt giam 2 nghi phạm
>> Hành trình hơn 80h phá vụ thảm án
 
Theo Đàm Đệ (VietNamNet)

Nổi bật