Tại vụ án Sài Gòn Đại Ninh, Viện KSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 10 bị can về nhiều tội danh khác nhau. Trong đó, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Hai bị can khác là Trần Bích Ngọc (cựu Vụ trưởng Vụ I, Văn phòng Chính phủ) và Nguyễn Hồng Giang (cựu Vụ trưởng Vụ II, Thanh tra Chính phủ) cùng bị truy tố tội danh như bị can Mai Tiến Dũng.
Sáu bị can bị cáo buộc phạm tội "Nhận hối lộ" gồm: Trần Đức Quận và Trần Đức Hiệp (cựu Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng), Lê Quốc Khanh (cựu Phó Cục trưởng Cục II, TTCP), Hoàng Văn Xuân (cựu Thanh tra viên chính TTCP), Nguyễn Nho Định (cựu Thanh tra viên TTCP) và Nguyễn Ngọc Ánh (cựu Thanh tra viên chính TTCP).
Riêng bị can Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh - SGĐN, Chủ tịch Công ty Đầu tư và Giáo dục Văn Lang) bị truy tố về tội "Đưa hối lộ".
Theo cáo trạng, Dự án Đầu tư Khu đô thị, thương mại và du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Dự án Đại Ninh) tại tỉnh Lâm Đồng do Công ty SGĐN làm chủ đầu tư. Dự án này có nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện.
Theo đó, Dự án Đại Ninh được giao gần 3.600 ha đất tại huyện Đức Trọng nhưng sau nhiều năm chủ đầu tư không triển khai đúng tiến độ, vi phạm các cam kết và quy định pháp luật về đầu tư xây dựng và đất đai.
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vì thế đã thanh tra công tác quản lý đất đai tại tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013-2018 và phát hiện sai phạm tại Dự án Đại Ninh. TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi đất và chấm dứt hoạt động dự án.
Ngày 14-8-2020, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch triển khai Kết luận 929 của TTCP, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tiến hành thu hồi dự án. Tuy nhiên, Nguyễn Cao Trí đã tìm cách can thiệp để giữ lại dự án bằng cách tiếp cận các lãnh đạo tỉnh là Trần Đức Quận và Trần Văn Hiệp.
Theo cáo trạng, Nguyễn Cao Trí đã đưa cho Trần Đức Quận và Trần Văn Hiệp mỗi người 200 triệu đồng và nhờ tác động, giữ lại dự án.
Ngày 14-12-2020, Sở KHĐT tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận hồ sơ đề nghị thay đổi người đại diện pháp luật Công ty SGĐN từ bà Phan Thị Hoa sang Nguyễn Cao Trí. Hai ngày sau, Sở KHĐT có Văn bản báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến về việc thay đổi này.
Ngày 25-12-2020, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Thông báo về kết luận của tập thể lãnh đạo UBND tỉnh: "Hiện nay, UBND tỉnh đang tổ chức triển khai thực hiện KLTT số 929 của TTCP, trong đó có nội dung liên quan đến Dự án Đại Ninh. Do đó, chưa xem xét việc thay đổi người đại diện pháp luật như đề nghị của doanh nghiệp".
Do không được UBND tỉnh Lâm Đồng giải quyết thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, chuyển đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty SGĐN, Trí đã gọi điện nhờ Trần Đức Quận và Trần Văn Hiệp chỉ đạo, tác động Sở KHĐT cho Công ty SGĐN được thay đổi đăng ký kinh doanh.
Sau đó, bị can Quận chỉ đạo bị can Hiệp để cựu Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo ông Bùi Sơn Điền (Giám đốc Sở KHĐT) thay đổi đăng ký kinh doanh, chuyển người đại diện theo pháp luật của Công ty SGĐN từ bà Hoa sang Trí.
Ông Điền sau đó điện thoại cho ông Bùi Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở KHĐT) trình lại thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh cho Nguyễn Cao Trí. Ngoài ra, Quận cũng chỉ đạo ông Đặng Trí Dũng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) để phê duyệt đăng ký kinh doanh cho Công ty SGĐN.
Do có sự ủng hộ từ Quận và Hiệp nên Phó Giám đốc Sở KHĐT Bùi Văn Lâm ký văn bản báo cáo UBND tỉnh liên quan đến vấn đề này với nội dung "Hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp... phù hợp với quy định".
Dựa trên báo cáo này và thực hiện chỉ đạo của Quận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Trí Dũng ký văn bản gửi Sở KHĐT với nội dung "Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành để thực hiện thủ tục điều chỉnh theo đúng quy định.
Cùng ngày, Sở KHĐT cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi cho Công ty SGĐN, thay đổi người đại diện pháp luật sang Nguyễn Cao Trí… "Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như trên là trái quy định của pháp luật và các văn bản của tỉnh Lâm Đồng" – cơ quan tố tụng kết luận.
Theo Xuân Lâm (An Ninh Thủ Đô)