Ngày 16/5, TAND TP HCM tiếp tục xét xử vụ bà Hứa Thị Phấn cùng 27 bị cáo trong vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank, nay là CB) về các tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Phiên tòa tiếp diễn với xét hỏi liên quan tới hành vi hạch toán khống, đẩy dư nợ khống gây thiệt hại cho TrsutBank hơn 5.256 tỷ đồng.
Liên quan tới 114 tài sản liên quan trong vụ án, chủ tọa cho rằng ông Phạm Công Danh (Nguyên Chủ tịch VNCB) đã thanh toán cho phía bà Phấn 3.581 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông này chưa thực hiện hết nghĩa vụ tài chính, còn trên 1.000 tỷ đồng, vì vậy bà Hứa Thị Phấn chưa thực hiện chuyển nhượng.
Khi được thẩm vấn, Phạm Công Danh trình bày: "Thưa tòa tôi đã thanh toán đủ số tiền 3.581 tỷ đồng, số tiền trên 1.000 tỷ đồng còn lại là do có ý xin miễn thuế chứ thực sự đã thanh toán hết".
Ngoài ra ông Danh cũng cho rằng nhóm bà Phấn đã không thực hiện theo thỏa thuận với ông, không chuyển giao tài sản sau khi thanh toán. Theo ông Danh, bà Phấn đã không chuyển giao các tài sản với lý do ông Danh chưa thanh toán hết số tiền còn lại là không có căn cứ.
Cựu Chủ tịch VNCB cho rằng bà Phấn nợ TrustBank không trả được nên không thể thực hiện được cam kết chuyển giao tài sản.
Xác nhận lời khai trên, ông Phan Thành Mai khẳng định nội dung ông Danh trình bày là đúng sự thật. Theo ông Phan Thanh Mai, bà Phấn phải có trách nhiệm bàn giao 114 tài sản (trong vụ án này) thì ông Danh mới thành toán tiếp số tiền còn lại.
"Tôi thật sự sốc khi biết 114 bất động sản mà tôi đã thanh toán xong lại liên quan tới Công ty Phương Trang. Số tài sản này không có phần nào của bà Phấn, nhưng tại sao lại mang thế chấp. sang nhượng" - Ông Phạm Công Danh trình bày.
Cũng tại phiên tòa, luật sư và HĐXX xét hỏi nhiều bị cáo liên quan tới hành vi hạch toán khống, đẩy dư nợ khống gây thiệt hại 5.265 tỷ đồng cho TrustBank. Hầu hết các bị cáo đều thừa nhận cáo trạng truy tố, cho rằng bản thân không hưởng lợi mà chỉ làm theo chỉ đạo của bà Hứa Thị Phấn.
Riêng bị cáo Nguyễn Kim Thanh đa phần im lặng hoặc trả lời không biết trước những chất vấn của luật sư. Được biết sau khi bị khởi tố, từ tháng 4-2017 đến nay, bị cáo Thanh phải điều trị bệnh tại bệnh viện tâm thần.
Thanh bị cáo buộc đã tạo 3 tài khoản cá nhân cho bà Phấn mượn và giúp nữ đại gia đứng tên khoản vay 30 tỷ đồng. Đồng thời, Thanh còn ký khống tổng cộng 14 chứng từ thu (8 giấy nộp tiền và 6 phiếu thu) theo chỉ đạo của bà Phấn, gây thiệt hại hơn 166 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Kim Thanh còn cùng vợ là Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ) tẩu tán bất động sản đứng tên giúp bà Phấn tại số 5 Đoàn Kết (phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP HCM) với giá 34,5 tỷ đồng, cản trở nghiêm trọng việc điều tra và thu hồi tài sản.
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 10/2010 đến tháng 2/2012, TrustBank chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang đã giải ngân cho bà Phấn và 24 cá nhân đứng tên vay hơn 3.132 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là 114 bất động sản bao gồm: 89 bất động sản tại TP HCM, 17 tại Bình Dương và 8 tại Đồng Tháp.
Phần lớn chúng là đất nông nghiệp, được bà Phấn lập dự án khống để nhận hơn 1.037 tỷ đồng đầu tư của TrustBank. Tại thời điểm cho vay, TrustBank định giá tổng giá trị là 4.454 tỷ đồng.
Sau khi ông Phạm Công Danh tiếp quản TrustBank, đổi tên thành VNCB, theo yêu cầu tái cơ cấu và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, VNCB đã thuê Công ty SIVC định giá lại 108/114 bất động sản (thời điểm tháng 9/2014). Theo giá thị trường, giá trị của số tài sản này chỉ còn hơn 1.360 tỷ (giảm hơn 3.000 tỷ).
Theo thỏa thuận chuyển giao quyền và nghĩa vụ giữa bà Phấn và ông Danh, ông Phạm Công Danh đã chuyển tiền tất toán toàn bộ dư nợ gốc của 29 khoản vay thay cho nhóm Phú Mỹ là hơn 3.580 tỉ đồng. Hiện còn dư nợ lãi tính đến tháng 11/2017 là hơn 1.260 tỷ và được bảo đảm bằng 114 bất động sản trên.
Để đảm bảo thu hồi thiệt hại, cơ quan điều tra đã kê biên toàn bộ số bất động sản trên giao cho Ngân hàng CB quản lý.
Theo cáo trạng, bà Hứa Thị Phấn cùng các đồng phạm nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, mua đi bán lại cho TrustBank, gây thất thoát 1.105 tỷ đồng. Ngoài ra bà này còn chỉ đạo cấp dưới hạch toán khống, đẩy dư nợ khống 5.265 tỷ đồng cho Công ty CP Phương Trang (Công ty Phương Trang).
Cụ thể, bà Hứa Thị Phấn biết Công ty Phương Trang có nhiều tài sản, cần vốn mở rộng kinh doanh nên buộc doanh nghiệp này ksy trước hồ sơ, chứng từ vay vốn rồi mới giải ngân sau. Từ năm 2010 - 2012, TrustBank chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang đã giải ngân cho Công ty Phương Trang cùng 18 công ty, 22 cá nhân có quan hệ hợp tác tổng cộng 83 khoản vay, 1 khoản phát hành trái phiếu.
Tổng số tiền TrustBank giải ngân trên sổ sách cho Công ty Phương Trang gần 16.468 tỷ đồng. Sau khi Công ty Phương Trang đã tất toán một số khoản vay, đến nay còn dư nợ gốc là 9.437 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Phương Trang xác định chỉ nhận được hơn 3.936 tỷ đồng trong tổng số dư nợ gốc theo sổ sách mà TrustBank giải ngân.
Đặc biệt, trong số những tài sản mà Công ty Phương Trang thế chấp được Hứa Thị Phấn sử dụng làm "mồi nhử" dụ Phạm Công Danh sập bẫy.
Theo Bảo Minh (Soha/Trí Thức Trẻ)