Cựu sếp phó Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La và cấp dưới 'bật' nhau tại toà xử vụ gian lận điểm thi

24/05/2020 14:10:00

Tiếp tục phần đối đáp của mình với "sếp cũ", bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí) liên tục "bật" lại bị cáo Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La).

"Hàng năm vẫn làm như thế"

Sáng 24/5, HĐXX phiên tòa vụ gian lận điểm thi xảy ra tại Sơn La năm 2018 tiếp tục thẩm vấn các bị cáo. Đáng chú ý, trong buổi thẩm vấn chủ yếu xoay quanh phần đối đáp giữa bị cáo Trần Xuân Yến – cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La với bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga – nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La.

Bước lên bục khai báo, Trần Xuân Yến đặt câu hỏi cho bị cáo Nga: "Bị cáo muốn được hỏi Nga một nội dung đó là, việc lập biên bản mở niêm phong bài thi được thực hiện theo qui định nào?". "Nếu phát hiện các bài thi bị cắt thiếu, lệch form thì có thể mở lại túi niêm phong bài thi đó để chỉnh", Nga đáp.

"Câu hỏi bị cáo ở đây là muốn hỏi việc mở niêm phong bài thi này theo qui định nào?", Yến hỏi lại Nga. "Sau khi niêm phong các bài thi mà phát hiện bài thi có vấn đề thì sẽ tiến hành mở niêm phong", Nga nói và cho rằng, hàng năm vẫn làm như thế và anh Yến cũng dặn làm như thế.

Cựu sếp phó Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La và cấp dưới 'bật' nhau tại toà xử vụ gian lận điểm thi

Bị cáo Trần Xuân Yến – cựu Phó GĐ Sở GD&ĐT Sơn La. Ảnh: Thảo Phượng

HĐXX tiếp tục hỏi Yến còn câu hỏi nào khác cho bị cáo Nga hay không?. Yến đáp rằng, việc Nga trả lời như thế là chưa đúng ý của bị cáo hỏi, HĐXX cắt lời Yến và nói, đây là việc trả lời của Nga, bị cáo không được yêu cầu Nga trả lời như thế nào.

Tranh cãi phân công nhiệm vụ

Tiếp tục phần đối đáp lẫn nhau giữa cựu sếp Sở GD&ĐT với cấp dưới, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga cho rằng, thời điểm tại kỳ thi THPT, bị cáo Yến phân công cho Nga lập biên bản niêm phong bài thi, nhưng thực tế, Nga chưa được phổ biến công việc này bằng công văn hay văn bản nào, và Nga khẳng định không được phân công nhiệm vụ này.

Yến khẳng định sáng 29/6/2018, Yến đã tổ chức họp các nội dung phân công cho các thành viên, và bao gồm cả việc phân công cho Nga lập biên bản vào sáng 29/6.

Đáp lời Yến, Nga cho rằng, trên thực tế bản thân không được phân công công việc này và cả tổ thanh tra có thể chứng kiến việc này.

Phản pháo lại câu hỏi của Yến, Nga hỏi lại "Vậy, việc lập công văn số 01 (biên bản phân công nhiệm vụ cho bị cáo Nga) vào ngày nào?. Yến đáp, công văn số 01 được lập vào 29/6/2018, và bị cáo Yến đã chuyển cho Nga ngay sau khi kết thúc cuộc họp.

Cựu sếp phó Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La và cấp dưới 'bật' nhau tại toà xử vụ gian lận điểm thi - 1

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga – nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La.

Sau khi nghe xong phần trình bày của 2 bị cáo, HĐXX đề nghị luật sư bào chữa cung cấp công văn số 01 cho thư ký toà.

Lúc này, luật sư bào chữa hỏi bị cáo Nga rằng, nếu bị cáo nói không nhận được công văn số 01, thì ngày 29/6 bị cáo thực hiện nhiệm vụ do ai phân công?. Nga đáp, Nga được phân công từ lời phân công bằng "mồm" của bị cáo Yến, tại cuộc họp tổ trắc nghiệm ngày 29/6.

"Tức là bị cáo có nghe phân công nhiệm vụ?", luật sư truy hỏi nhưng bị cáo Nga không trả lời.

Bất nhất công đoạn sửa phiếu bài thi

Tiếp tục phần đối đáp của mình với "sếp cũ", bị cáo Nga xin phép HĐXX hỏi bị cáo Yến: "Trước ngày mùng 4/7/2018, nếu bài thi có bị mờ, hỏng thì liệu có phải mở túi niêm phong bài thi ra để xem lại hay không?".

"Việc lập biên bản niêm phong lô bài thi, thực hiện vào ngày 4/7, sau khi làm xong 2 pha (pha 1 quét ảnh bài thi, pha 2 đọc ảnh), sau khi đọc xong ảnh thì phần mềm đã nhận được toàn bộ phiếu trả lời trắc nghiệm. Như vậy, sau khi làm xong pha thứ 2 thì sau này không cần phải mở lại niêm phong lô bài thi nữa", Yến đáp.

Nga tiếp tục hỏi lại Yến: "Vậy sau khi quét xong lô bài thi đến ngày mùng 4/7/2018, có cần phải mở lại niêm phong túi bài thi hay không?".

"Sau ngày 4/7, vì tất cả ảnh của phiếu trắc nghiệm đã xác định không bị lỗi hay có vấn đề gì thì mới được niêm phong, chính vì vậy sau ngày 4/7 không phải mở túi bài thi trắc nghiệm", Yến đáp trả và cho rằng, việc thực hiện công đoạn này do chính Nga và bị cáo Thuỷ cùng thực hiện nên sau khi xong pha thứ 2 thì không cần phải mở niêm phong bài thi nữa.

Cựu sếp phó Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La và cấp dưới 'bật' nhau tại toà xử vụ gian lận điểm thi - 2

Các bị cáo trong giờ nghỉ giải lao.

Sau khi nghe xong Yến trả lời, bị cáo Nga tiếp tục hỏi rằng, vậy hàng năm vào thời điểm đó, nếu phát hiện có lỗi trong các bài thi thì có cần mở lại túi bài thi không?.

Yến nói rằng, các năm trước, Yến đã thực hiện việc làm Tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm, năm 2017, về qui trình, bị cáo Yến cũng thực hiện giống 2018, sau khi làm pha thứ 2 xong thì Yến chỉ đạo không mở niêm phong bài thi trong quá trình kiểm dò.

Theo Yến, tại pha thứ 2 trong phần xử lý bài thi trắc nghiệm, trong công văn 991 đã nêu rõ, xử lý ảnh đọc các thông tin trong bài thi như mã đề, số báo danh đều ổn, ảnh phải rõ nét rồi mới niêm phong bài thi.

Về việc này, bị cáo Nga có ý kiến, vậy việc kiểm dò nhằm mục đích gì?. Yến trả lời, việc sửa lỗi các bài thi cho thí sinh tại pha thứ 2 là phải làm xong rồi.

Bị cáo Nga ý kiến "Khi kiểm dò (chính là giai đoạn phát hiện phiếu bài thi có vấn đề) khi đó có phải mở phiếu bài thi hay không? và nếu phát hiện phiếu bài thi bị nhoè mờ không dọc được ảnh thì phải làm sao?". "Bị cáo đã trích dẫn rằng, tại pha thứ 2 ghi rõ xử lý ảnh, tức là không còn mờ nữa", Yến đáp.

Nga giải thích, tại pha 2 thực chất là đưa bài thi vào quét khi nhận đủ bài thi, chứ chưa đến giai đoạn kiểm dò. Nga cho rằng, theo Bộ GD&ĐT là sau khi gửi bản gốc về thì mới tiến hành kiểm dò.

Chứng kiến bị cáo Yến và bị cáo Nga tranh luận nảy lửa, bị cáo Đặng Hữu Thủy (cựu cán bộ Sở GD&ĐT Sơn La) trình bày: "Bị cáo có cùng nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật quét bài thi giống bị cáo Nga. Bị cáo đồng tình với bị cáo Nga vì bản thân bị cáo cũng thực hiện quy trình trên".

Theo Nhật Tân - Thảo Phượng (Giadinh.net.vn)