Xét xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La: Cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khai bị ép cung

23/05/2020 14:01:10

Trong phiên xét xử sáng nay, bị cáo Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La) nhiều lần khẳng định trong quá trình điều tra mình bị ép cung.

Sáng 23/5, TAND tỉnh Sơn La tiếp tục phiên xét xử vụ án gian lận điểm thi kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Trong phiên xét xử sáng nay, Viện Kiểm sát tiếp tục xét hỏi đối với các bị cáo. Trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La), khai vào ngày 28/6/2018, Trần Văn Điện (trú tại TP Sơn La) có đến nhà đặt vấn đề nâng điểm cho các thí sinh.

Lúc này, Nga nói: "Việc này khó lắm, không biết có làm được không, chắc không làm được đâu".

Sau phần trả lời của bị cáo Hồng Nga, Trần Văn Điện đứng lên đối chất. Điện nói, lời khai của bị cáo Nga chỉ đúng một phần.

Điện khai rằng, lời khai của Nga không đúng ở nội dung thoả thuận nâng điểm cho các thí sinh và tiền cảm ơn. Điện khẳng định rằng không đưa tiền cảm ơn cho bị cáo Hồng Nga.

Theo lời khai của Điện, trong tờ danh sách thông tin thí sinh đưa cho Nga không ghi số điểm cần nâng, Điện chỉ nhờ Nga xem điểm hộ.

Tiếp tục phiên xét xử, bị cáo Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT) nói rằng không đồng ý với cáo trạng bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Xét xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La: Cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khai bị ép cung
Bị cáo Trần Xuân Yến.

Lời khai của Yến trước Viện Kiểm sát thể hiện, trong kỳ thi 2018, Điện được nhờ xem điểm cho 13 thí sinh, bị cáo không nhớ tên nhưng nhớ những ai đã nhờ xem.

Ngày 28/6/2018, ông Hoàng Tiến Đức (Giám đốc Sở GD&ĐT) nhờ Yến xem điểm 8 thí sinh, ông đưa 2 tờ danh sách chứa thông tin các thí sinh.

Tờ thứ nhất có 6 thí sinh còn tờ thứ 2 có 2 thí sinh đều ghi đầy đủ số báo danh, họ tên, điểm mong muốn và môn thi cần sửa. Trong đó, có thí sinh là cháu của Yến.

Trần Xuân Yến khẳng định nội dung điểm mong muốn đạt được chính là số điểm thí sinh tự chấm.

Sau khi nhận danh sách, Yến chuyển các danh sách này cho Nguyễn Thị Hồng Nga. Tại toà sáng nay, ông Yến cho biết trong quá trình điều tra, ông bị ép cung nên có mội số nội dung không chính xác, như việc khai trong danh sách chuyển cho bị cáo Nga.

“Ban đầu bị cáo bị ép cung. Sau khi có sự tham gia của kiểm sát viên, bị cáo mới khai đúng sự thật”, ông Yến khai.

Tại toà, Yến cũng phủ nhận việc chỉ đạo Nga nâng điểm và tạo điều kiện cho các bị cáo mang bài thi về nhà để sửa và cho rằng thời gian này đang bị ép cung nên khai không đúng sự thật.

Ngày 18/7/2018, khi hay tin đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT lên kiểm tra, Yến đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hồng Nga rà soát toàn bộ quy trình chấm thi, sao lưu dữ liệu chấm thi ra các đĩa CD để bảo quản.

Sáng nay, Trần Xuân Yến tiếp tục khẳng định bị ép cung nên khai sai sự thật về việc đã chỉ đạo bị cáo Nga dùng phần mềm xóa dữ liệu sửa bài thi để xóa dấu vết và đốt tiêu hủy 16 hộp đĩa CD ở nghĩa trang.

Theo cáo trạng, Trần Xuân Yến đã làm trái nhiệm vụ được giao khi nhận thông tin 13 thí sinh để chuyển cho bị cáo Nga nâng điểm.

Dù không trực tiếp tham gia việc sửa bài thi nhưng bị cáo Yến đã tạo điều kiện, đồng thuận cho nhóm bị cáo cấp dưới rút bài thi từ phòng niêm phong để mang về nhà chỉnh sửa. Khi bị thanh tra, Yến đã chỉ đạo bị cáo Nga xóa dữ liệu trên máy tính để trốn tội.

Tại phiên xét hỏi ngày 22/5, bị cáo Trần Xuân Yến đã phủ nhận cáo trạng quy kết bị cáo đã nhờ nâng điểm cho thí sinh thi THPT tại Sơn La 2018, đồng thời bác bỏ lời khai của những bị cáo khác tố ông chỉ đạo vụ nâng điểm thi.

Bị cáo Yến chỉ thừa nhận đã đưa thông tin 13 thí sinh để nhờ bà Nga xem điểm. Trong đó có tờ đánh máy của ông Hoàng Tiến Đức (Giám đốc Sở GD&ĐT).

Theo Hoàng Hải (Tổ Quốc)