Cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị cáo buộc nhận hối lộ để ưu ái cho Hậu 'pháo' như thế nào?

28/03/2024 14:03:11

Ông Lê Viết Chữ bị cáo buộc đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để "tạo điều kiện giúp trúng gói thầu thi công tuyến đường chính dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc".

Ông Lê Viết Chữ bị bắt về tội Nhận hối lộ của Hậu "Pháo"

Ngày 27/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở đối với ông Lê Viết Chữ, cựu Phó Chủ tịch, cựu Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quãng Ngãi để điều tra về hành vi Nhận hối lộ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu (Hậu "pháo") - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu gói thầu “Thi công tuyến chính dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi”.

Tối cùng ngày, lực lượng chức năng đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở của cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị cáo buộc nhận hối lộ để ưu ái cho Hậu 'pháo' như thế nào?
Ông Lê Viết Chữ thời điểm bị bắt. Ảnh: Bộ Công an

Ông Lê Viết Chữ là cựu cán bộ thứ 6 của tỉnh Quảng Ngãi bị bắt trong vụ án liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn.

Trước đó, cách đây 20 ngày (tức 8/3), ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và ông Cao Khoa, cựu Chủ tịch UBND tỉnh cùng 3 người khác là cựu Phó Giám đốc và trưởng phòng cấp sở của địa phương này cũng bị bắt tạm giam.

Ông Lê Viết Chữ (61 tuổi, quê xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi). Ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2015-2020.

Trước khi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, ông Lê Viết Chữ từng giữ các chức vụ Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Ngày 3/5/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông cáo về kỳ họp thứ 44 và ông Lê Viết Chữ được xác định "đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ", ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét kỷ luật.

Đến ngày 16/6/2020, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ bằng hình thức cảnh cáo.

Sau đó, ngày 23/6/2020, ông Lê Viết Chữ đã nộp đơn xin từ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Dự án khiến cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi bị bắt tạm giam

Năm 2012, người Quảng Ngãi biết đến Tập đoàn Phúc Sơn khi đơn vị này trúng thầu thi công dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc (nay là đường Trường Sa).

Theo mô tả trên báo Kinh tế đô thị, đây là dự án có quy mô "khủng" thời điểm ấy với chiều dài hơn 8,7km, tổng vốn đầu tư 999 tỷ đồng, nối cầu Trà Khúc 2 đến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, do Sở Giao thông ận tải tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.

Dự án có điểm đầu giáp với Quốc lộ 1A, tại km1.057 và điểm cuối giáp nút giao thông dẫn vào cầu Cổ Lũy, tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố chính cấp II đô thị chạy dọc bờ Nam sông Trà Khúc qua các xã, phường của TP Quảng Ngãi.

Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án đã rút ngắn khoảng cách từ các xã phía Đông của TP Quảng Ngãi như Nghĩa An, Nghĩa Phú, Nghĩa Dũng về trung tâm TP Quảng Ngãi.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị cáo buộc nhận hối lộ để ưu ái cho Hậu 'pháo' như thế nào? - 1
Dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc (nay là đường Trường Sa). Ảnh: Kinh tế đô thị

Tuy nhiên, vào tháng 9/2015, kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc và dự án kè bờ Nam sông Trà Khúc không có sự đồng bộ về quy hoạch, kế hoạch đầu tư và quy mô phân kỳ đầu tư, nên nhiều hạng mục chồng lên nhau, phải phá bỏ, gây lãng phí hơn 11,3 tỷ đồng.

Dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc do Tập đoàn Phúc Sơn thi công đã không thi công 10 đường công vụ đi qua TP Quảng Ngãi, dự toán áp dụng sai tỷ lệ chi phí trực tiếp khác, tỷ lệ tận dụng đất, cát đào đắp, tính sai loại ô tô vận chuyển… phải giảm trừ thanh toán hơn 8,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, dự án này còn có biểu hiện thông đồng giữa các nhà thầu để cho một đơn vị trúng thầu ở gói thầu số 12 (xây lắp), gói thầu số 14 (tư vấn giám sát thi công).

Liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn, cũng trong ngày 27/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Hoàng Anh (Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc) về tội Nhận hối lộ.

Ông Phạm Hoàng Anh bị cáo buộc nhận tiền của Hậu "Pháo" để tạo điều kiện cho tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án chợ đầu mối Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Trước đó, 2 cựu lãnh đạo đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc cũng bị bắt trong vụ án này với cáo buộc Nhận hối hộ là bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Đến thời điểm này kết quả điều tra xác định Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và Chủ tịch tỉnh Lê Duy Thành nhận số tiền hàng tỉ đồng. Bước đầu, 2 cựu lãnh đạo đã khai nhận và nộp lại tiền nhận hối lộ cho cơ quan điều tra.

Theo Duy Anh (Đời Sống & Pháp Luật)