Nhóm nhận hối lộ truy tố ở khung phạt cao nhất
Ngày 29/4, Viện KSND Tối cao ra cáo trạng truy tố bị can Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc); Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) về tội “Nhận hối lộ”, theo khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự, với khung phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Cùng tội nêu trên, bị can Phạm Hoàng Anh (cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) bị cáo buộc nhận hối lộ 400 triệu đồng và 20.000 USD; Nguyễn Văn Khước (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) nhận 3 tỷ đồng và 20.000 USD; Hoàng Văn Nhiệm (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc) chịu cáo buộc nhận hối lộ 1,45 tỷ đồng; Chu Quốc Hải (cựu Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc) nhận 100 triệu đồng và 20.000 USD; Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi), nhận 6 tỷ đồng và 20.000 USD; Lê Viết Chữ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi) nhận 6 tỷ đồng; Đặng Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) nhận 22,6 tỷ đồng và 240.000 USD.
Riêng bị can Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu Pháo, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn) bị truy tố 3 tội “Đưa hối lộ; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, viện kiểm sát truy tố 17 người về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; 8 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; 5 bị can về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị can Đặng Văn Hoành (cựu Chánh văn phòng Huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) bị truy tố tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, hồ sơ vụ án xác định khoảng cuối năm 2016, bị can Nguyễn Văn Hậu gặp bà Lan tại phòng làm việc của bà tại Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và được “gợi ý” tạo điều kiện tham gia thực hiện một số dự án bất động sản của các công ty khác bị chậm tiến độ, quá hạn.
Cụ thể, tại dự án chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường, ông Hậu trao đổi việc sẽ mua lại cổ phần của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thăng Long (chủ đầu tư) để tiếp tục thực hiện dự án.
Sau khi được bà Lan đồng ý, Hậu tiếp tục liên hệ, đặt vấn đề và được cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành; ông Phạm Hoàng Anh, cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc (cựu Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy), để được thuận lợi trong việc tách pháp lý công ty, chuyển nhượng lại dự án.
Ngoài ra, Hậu cũng gặp ông Nguyễn Văn Khước, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc, đặt vấn đề chi tiền nhằm đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất.
Dự án chợ đầu mối sau đó được xác định giá trị quyền sử dụng đất là 507 tỷ đồng. Song nhằm được nâng đỡ trong việc giao, định giá đất thấp hơn giá thị trường, Hậu đã trực tiếp và chỉ đạo nhân viên đưa tiền cho các lãnh đạo cấp cao của Vĩnh Phúc. Trong đó, đưa cho bà Lan 3 lần với tổng số tiền 25 tỷ đồng và 1 triệu USD.
Cụ thể, lần một vào khoảng đầu tháng 6/2017, Hậu hẹn gặp bà Lan tại phòng làm việc ở trụ sở Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Hậu biết phải đưa bà Lan rất nhiều tiền nên đã chỉ đạo cấp dưới phụ trách tài chính chuẩn bị 20 tỷ đồng tiền mặt đưa cho bà Lan.
Lần hai vào ngày 19/3/2021, bà Lan gọi Hậu đến nhà riêng, nói "chị có việc, chuẩn bị ngay cho chị 1 triệu USD". Hậu đã trực tiếp đưa số tiền này.
Lần ba vào đầu năm 2022, khi Hậu muốn mua lại dự án Khu nhà ở tại xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường và 6 ha đất liền kề của Công ty Tuấn Đạt, đề xuất mở rộng thêm 50 ha đầu tư dự án bất động sản. Để đẩy nhanh thủ tục xin cấp phép, Hậu tự chuẩn bị 5 tỷ đồng đưa cho bà Lan. Bà Lan nhận tiền và đồng ý với đề xuất của Hậu.
Cựu Chủ tịch tỉnh nhiều lần nhận hối lộ
Đối với cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành, cáo buộc cho rằng tháng 7/2023, bị can Nguyễn Văn Hậu, tổ chức liên hoan tại nhà riêng và mời Lê Duy Thành cùng một số người khác tham dự.
Khi ra về, lái xe của ông Thành báo lại rằng lái xe của Hậu là Tạ Minh Chính đã đưa hai túi quà. Hôm sau, ông Thành kiểm tra và phát hiện trong hai túi này có 10 tỷ đồng. Số tiền này ông Thành nhờ ông Nguyễn Văn Hưng (thông gia), nhờ cất giữ. Ông Hưng sau đó đã vận chuyển các túi tiền về nhà riêng bằng ô tô cá nhân.
Theo lời khai của Hậu, 10 tỷ đồng đưa cho ông Thành nhằm mục đích nhờ cựu Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc điều chỉnh bảng giá đất tại khu vực kho vận và xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường thuộc dự án Chợ đầu mối.
Hậu giải thích rằng bảng giá đất hiện tại quá cao, khiến ông ta không thể bán được, đồng thời đã gửi văn bản kiến nghị đến UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Vĩnh Tường.
Ngoài lần đưa tiền trên, Nguyễn Văn Hậu còn nhiều lần hối lộ Lê Duy Thành tổng cộng 20 tỷ đồng và 1,3 triệu USD. Trong đó, lần thứ nhất vào 5/3/2021, sau khi nhậm chức Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Thành gặp Hậu tại nhà riêng. Hậu đưa một túi quà và có 500.000 USD và gửi lời chúc mừng.
Lần thứ 2, bị can Hậu gặp ông Thành tại trụ sở UBND tỉnh, đề nghị được mua hai lô đất tại dự án Chợ đầu mối với giá gốc. Ông Thành ban đầu từ chối nhưng sau đó đồng ý. Sau đó vào ngày 15/3/2021, Hậu nói với Thành rằng đất đã tăng giá và đưa cho ông Thành một vali kéo đựng 800.000 USD, nói đó là tiền chênh lệch từ việc bán lại hai lô đất. Ông Thành giữ số tiền này tại cơ quan để sử dụng.
Lần tiếp theo, vào 20/3/2023, bị can Hậu chuẩn bị 10 tỷ đồng và chỉ đạo lái xe chuyển tiền vào ô tô trước khi đến nhà riêng của ông Thành. Khi gặp, Hậu nói: "Em có quà biếu anh, anh triển khai sớm phê duyệt quy hoạch chung Vĩnh Tường cho em". Bị can Thành đáp: "Cứ yên tâm, để anh chỉ đạo”.
Lần thứ tư vào tháng 7/2023, Hậu mời ông Thành đến nhà dự liên hoan, rồi giao lái xe mang 10 tỷ đồng đưa cho lái xe của ông Thành. Đây chính là số tiền, ông Thành nhờ thông gia cất hộ đã nêu ở trên.
Căn cứ vào kết quả điều tra, cơ quan tố tụng xác định số tiền mà ông Thành nhận hối lộ lên tới gần 50 tỷ đồng (gồm 20 tỷ đồng và 1,3 triệu USD).
Theo Hoàng An (Tiền Phong)