Phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil chiều nay tiếp tục phần tranh luận.
Tự bào chữa, bị cáo Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục Thuế TPHCM) quả quyết chưa từng có ý định nhận quà từ bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trục lợi chính sách của Nhà nước.
Những lần nhận quà, với ý thức chủ quan, bị cáo cho rằng đó chỉ là những món quà chúc mừng thông thường vào các dịp lễ, tết.
“Bị cáo không nhận thức được rằng hành vi nhận quà có thể dẫn đến vi phạm pháp luật. Bị cáo thừa nhận đã thiếu suy nghĩ, không thấu đáo trong một số hành xử, dẫn đến vi phạm” - bị cáo Minh nói.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) trình bày, bản thân rất hối hận về những điều đã xảy ra.
Về việc nhận quà của bị cáo Hạnh, bị cáo Thọ cho rằng không ảnh hưởng đến các quyết định giúp Xuyên Việt Oil.
Theo bị cáo, Công ty Xuyên Việt Oil là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về kinh doanh xăng dầu nên nhu cầu về vốn của công ty này là chính đáng.
“Xuyên Việt Oil là khách hàng rất tốt, được nhiều ngân hàng cạnh tranh phục vụ. Vì vậy, việc VietinBank đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp là hoàn toàn bình thường. Kể cả chị Hạnh không biết tôi, không tặng quà cho tôi, thì với cương vị công tác của mình, tôi cũng chỉ đạo giải quyết vụ việc như vậy, bởi Xuyên Việt Oil đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp tín dụng" - bị cáo Thọ khẳng định.
Cũng theo bị cáo Thọ, năm 2020, Xuyên Việt Oil đề nghị Vietinbank cấp giới hạn tín dụng 5.000 tỷ đồng và nới điều kiện cấp tín chấp từ 20% lên 30%. Sau đó, Vietinbank chỉ cấp 20%, trong khi đó các ngân hàng khác cho vay tín chấp với tỷ lệ từ 30-50%.
"Tôi đã nói với chị Hạnh rằng ngân hàng đang thực hiện như thế nào thì giữ nguyên như vậy, tất cả phụ thuộc vào thẩm định và đề xuất của các cấp dưới" - bị cáoThọ khai.
Thừa nhận sai khi nhận quà nhưng bị cáo khẳng định mình không làm trái quy định hay ép buộc cấp dưới. “Bị cáo luôn làm theo các quy định và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp" - ông Thọ nói.
Nói về việc ưu ái cho bị cáo Hạnh sau khi lên làm Bí thư Bến Tre, bị cáo Thọ khai, do Bến Tre là tỉnh nghèo nên bị cáo đã nỗ lực thu hút doanh nghiệp về địa phương.
"Tôi cùng các lãnh đạo tỉnh tìm mọi cách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân. Những chỉ đạo của tôi đều đúng với trách nhiệm và chức năng. Đúng ra, tỉnh Bến Tre phải cảm ơn chị Hạnh vì đã đóng góp cho ngân sách tỉnh và giải quyết việc làm cho người dân" - bị cáo Thọ phân trần.
Về mối quan hệ cá nhân với bị cáo Hạnh, bị cáo Thọ cho biết cả hai quen biết từ trước đó.
"Nhiều lần, tôi mời chị Hạnh về hợp tác, đồng hành với tỉnh, chị ấy đã nhận lời, đóng góp nhiều cho địa phương. Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động, tôi tư vấn cho chị Hạnh tham gia thị trường tài chính phái sinh. Giai đoạn 2021-2022, chị ấy tham gia và thu được lợi nhuận rất lớn, vài triệu USD mỗi ngày. Tôi từng đùa với chị Hạnh rằng tôi không làm không công đâu, tư vấn phải có lợi nhuận. Việc tôi tư vấn cho chị ấy là hoàn toàn thiện chí, còn kết quả kinh doanh là của chị. Sau đó, chị Hạnh có chia sẻ lợi ích bằng cách tặng quà nhưng tôi không ép buộc hay lợi dụng quyền hạn" - bị cáo Thọ lý giải về việc nhận quà của bị cáo Hạnh.
Kết thúc phần tự bào chữa, bị cáo mong HĐXX xem xét toàn diện vụ việc để có phán quyết công bằng, hợp lý, để bị cáo sớm được trở về với gia đình.
Theo Thanh Phương (VietNamNet)