Dùng dao đe doạ cướp tiệm vàng giữa trung tâm thành phố
16h15 ngày 15/11, Trần Thanh Luân (SN 1997, ở tỉnh Đồng Tháp) đi vào ngân hàng Sacombank, dùng hộp quẹt hình cây súng, bom tự chế khống chế, yêu cầu nhân viên ngân hàng bỏ tiền vào ba lô.
Trong khi nhân viên ngân hàng đang bỏ hơn 1,7 tỷ đồng vào ba lô cho Luân thì công an ập vào khống chế, bắt giữ tên cướp.
Cùng ngày 15/11, Công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt được Phạm Đức Anh (SN 1989, ở Thái Nguyên) sau khi người này gây ra vụ cướp ngân hàng lúc 14h ngày 14/11.
Thời điểm gây án, Phạm Đức Anh đội mũ, đeo khẩu trang, dùng một vật giống súng xông vào ngân hàng, uy hiếp nhân viên để cướp tiền. Sau khi lấy đi khoảng 700 triệu đồng, kẻ cướp ngân hàng bỏ trốn khỏi hiện trường nhưng nhanh chóng bị bắt.
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, phần lớn đối tượng cướp ngân hàng ở Việt Nam là những người vỡ nợ, phá sản, thua bạc hoặc những đối tượng giang hồ cộm cán đang trong cơn quẫn bách, túng thiếu.
Luật sư cho rằng, việc cướp tiền ở ngân hàng thành công là rất khó, trốn thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật lại càng khó hơn rất nhiều lần. Thông thường các đối tượng cướp ngân hàng ở Việt Nam sẽ bị bắt trong khoảng 24 tiếng.
Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, ngân hàng là nơi thực hiện các hoạt động tài chính và thường xuyên lưu giữ một lượng tiền lớn. Chính vì vậy vấn đề đảm bảo an ninh ở ngân hàng luôn được quan tâm. Các đối tượng thực hiện hành vi cướp ngân hàng thường sẽ để lại rất nhiều dấu vết, có hình ảnh cụ thể thông qua hệ thống camera giám sát và có nhiều người làm chứng.
Thông tin hình ảnh về việc đối tượng vào ngân hàng trước khi cướp tiền và rời khỏi ngân hàng sau khi cướp tiền có thể thu thập rất dễ dàng thông qua hệ thống camera giám sát ở hai bên đường, các ngã tư đường giao thông và thông tin từ những người làm chứng.
Khi hình ảnh thông tin được công khai, bằng các biện pháp nghiệp vụ, rất nhanh chóng chân dung đối tượng sẽ được các trinh sát dựng lên để truy tìm.
Nguyên nhân xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng
Phân tích nguyên nhân thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng, luật sư cho rằng, do một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên lười lao động, muốn có tiền nhưng không phải đi làm.
Một số đối tượng tiếp xúc với những phim ảnh, những trò game bạo lực nên có suy nghĩ dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội. Một số đối tượng cờ bạc, cá độ bóng đá thua lỗ, không có tiền trả nợ đành làm liều.
Ngoài ra, hệ thống đảm bảo an ninh, lực lượng bảo vệ ở một số ngân hàng có những sơ hở, thiếu cảnh giác dẫn đến một số đối tượng này sinh ý định cướp để có được tài sản bất hợp pháp.
Để giảm thiểu những vụ cướp ngân hàng xảy ra, theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, cần phải thực hiện đồng bộ đầy đủ nhiều giải pháp, trong đó có thể kể đến giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân.
Cần phải giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, kịp thời phát hiện triệt phá các đường dây cờ bạc, cá độ bóng đá.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn ở ngân hàng, đặc biệt là hệ thống báo động, lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, được trang bị vũ khí hoặc công cụ hỗ trợ cần thiết để xử lý các tình huống có vấn đề...
Một nguyên nhân khác được luật sư chỉ ra là do thời gian dịch bệnh kéo dài, tình hình kinh tế có nhiều biến động nên nhiều người lâm vào tình trạng khó khăn, túng quẫn.
Bởi vậy các giải pháp phòng ngừa tội phạm về trật tự xã hội cần phải được tăng cường và tổ chức thực hiện hiệu quả trong thời gian tới, đặc biệt là dịp trước và sau Tết nguyên đán.
Theo T.Nhung (VietNamNet)