Cục thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM cho biết, ngày 6/3 sẽ tiến hành cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản thiết bị, máy móc và phương tiện giao thông trong vụ án xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba của Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm.
Sau khi làm thủ tục kê biên xong, cơ quan thi hành án sẽ xem xét đến thủ tục về định giá tài sản, rồi bán đấu giá.
Cục THADS TP.HCM đang tống đạt văn bản thông báo về việc kê biên tài sản cho các bị hại nắm.
Các tài sản dự kiến kê biên bao gồm: 272 miếng kim loại vàng thu tại trụ sở công ty Alibaba; 9 xe ôtô và 2 xe gắn máy chưa gắn biển số; 113 đầu CPU, 24 ổ cứng, 172 máy tính xách tay, 1 máy tính bảng, 18 điện thoại di động, 3 máy chụp ảnh, 2 thẻ nhớ, 4 đầu thu camera, 5 máy in, 1 máy phát wifi, 1 máy chiếu, 4 USB, 1 rô tơ.
Hết thời hạn tự nguyện thi hành án, vợ chồng Nguyễn Thái Luyện không tự nguyện thi hành nên chấp hành viên ban hành các quyết định cưỡng chế thi hành án để kê biên, xử lý tài sản tạm giữ để đảm bảo thi hành án.
Đối với các tài sản là bất động sản của Công ty Alibaba, Cục THADS TP.HCM đã ủy thác hồ sơ về cho các cơ quan THADS ở tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu để xử lý. Cục THADS TP.HCM chỉ xử lý một bất động sản là trụ sở Công ty Alibaba ở TP Thủ Đức. Đối với trụ sở này, do có thay đổi cấu trúc so với giấy chứng nhận quyền sở hữu (thường gọi là sổ đỏ) nên Cục THADS đang chờ bản vẽ của các đơn vị có thẩm quyền.
Theo nội dung vụ việc, lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín làm người đại diện pháp luật.
Sau đó, các công ty này mua một số lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh, thành như: Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... rồi san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng trái phép, vẽ ra các dự án ma, quảng bá hoành tráng là dự án khu dân cư đẳng cấp để bán cho khách hàng.
Công ty Alibaba còn hứa hẹn sẽ thanh toán linh hoạt, mua lại thửa đất với giá cao, trả lãi cao dựa trên số tiền khách hàng đóng vào hoặc thuê lại... Dòng tiền có được từ các dự án ma được chuyển về công ty mẹ.
Luyện giao cho vợ, em ruột phối hợp cùng kế toán là Huỳnh Thị Kim Thắng sử dụng một phần tiền để vận hành hệ thống trả lương nhân viên, mặt bằng, mua các khu đất vẽ dự án ma, còn phần lớn tiền chuyển lòng vòng, che giấu nguồn gốc thực sự.
Bằng các thủ đoạn nêu trên, Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.264 tỷ đồng.
Tháng 5/2023, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác đơn kháng cáo, giữ nguyên mức án chung thân đối với Nguyễn Thái Luyện.
Vợ của Luyện là Võ Thị Thanh Mai được xem xét giảm một phần hình phạt. Theo đó, Mai bị xử phạt 16 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 7 năm tù về tội “Rửa tiền”. Tổng hợp hình phạt chung là 23 năm tù; giảm 7 năm.
Em trai của Luyện là Nguyễn Thái Lực cũng phải lãnh 16 năm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 6 năm tù về tội “Rửa tiền”. Tổng hợp hình phạt chung là 22 năm tù. Nguyễn Thái Lĩnh 16 năm tù.
Theo Thanh Phương (VietNamNet)