Chiều ngày 15/5, TAND Cấp cao tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm đối với Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba) và các đồng phạm.
Trước khi các luật sư đối đáp lại quan điểm của luật sư, HĐXX thông báo, tòa vừa nhận được biên lai thu tiền của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM với nội dung ông Lê Viết An nộp thay cho bị cáo Mai 6 tỷ đồng khắc phục tội “Rửa tiền” và 200 triệu đồng khắc phục cho tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài ra, ông An cũng nộp thay cho bị cáo Luyện 200 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Luyện đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu nhận thêm tiền của 31 bị hại, công nhận số tiền bồi thường như đã nêu trong bản án sơ thẩm vì số tiền yêu cầu bồi thường thêm đối với 31 khách hàng này tăng thêm 300 tỷ đồng. Theo bị cáo, số tiền này là quá nhiều và chưa được kiểm chứng.
Ngoài việc xin giảm nhẹ cho mình, Luyện còn mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo còn lại.
“Các bị cáo rất tích cực với cơ quan điều tra, thậm chí là thời điểm đó vợ bị cáo vừa mới sinh con xong cũng tích cực hợp tác với cơ quan điều tra nhưng không được cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận”, Luyện trình bày.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai, cho rằng, đối với tội “Rửa tiền”, nguồn gốc số tiền 12 tỷ này là số tiền nằm trong sổ tiết kiệm 50 tỷ đồng do một nhân viên của Mai đứng tên. Vì vậy, chưa đủ cơ sở để khẳng định số tiền này do phạm tội mà có. Từ đó, đề nghị HĐXX áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với bị cáo Mai ở tội danh này.
Trước đó, trình bày quan điểm về vụ án, HĐXX đã đề nghị bác kháng cáo đối với Nguyễn Thái Luyện, Võ Thị Thanh Mai và 2 em trai của Luyện cùng nhiều đồng phạm khác.
Theo bản án sơ thẩm, lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín làm người đại diện pháp luật.
Sau đó, các công ty này mua một số lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh, thành như: Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... rồi san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng trái phép, vẽ ra các dự án ma, quảng bá hoành tráng là dự án khu dân cư đẳng cấp để bán cho khách hàng.
Công ty Alibaba còn hứa hẹn sẽ thanh toán linh hoạt, mua lại thửa đất với giá cao, trả lãi cao dựa trên số tiền khách hàng đóng vào hoặc thuê lại; dòng tiền có được từ các dự án "ma" được chuyển về công ty mẹ.
Theo Thanh Phương (VietNamNet)