Video: Toàn cảnh cuộc đột kích vào hang ổ ma túy ở Lóng Luông
Năm 2013, trên cương vị là Đội trưởng ở Phòng truy nã tội phạm (PC52, Công an tỉnh Sơn La), Tổ phó Tổ truy bắt đối tượng truy nã trong Chuyên án đấu tranh với tội phạm về ma túy và giải quyết địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La và vùng phụ cận, Nguyễn Đình Khiêm đã miệt mài đi về những bản làng vùng cao “cắm bản”.
Nhiệm vụ chính của anh là tham mưu cho Tổ trưởng Tổ công tác xây dựng và đề xuất các kế hoạch trinh sát, xác minh, vận động và truy bắt các đối tượng truy nã trên địa bàn.
Trong những ngày đi truy bắt đối tượng truy nã, anh và Tổ công tác đã vận động và bắt giữ được 15 đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; xác lập và đấu tranh thành công 3 chuyên án truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm; bắt 4 đối tượng có hành vi tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép và tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 1 quả lựu đạn, 1 súng ngắn, 2 ô-tô, 161 bánh heroin...
Tuy nhiên, để có được thành tích đáng tự hào đó, anh em trinh sát đã phải đối diện với vô vàn hiểm nguy, có những lúc tưởng như không thể trở về. Đặt tay lên vết thương dài trên đầu chưa lành sẹo, ký ức về cuộc vây ráp tấn công tội phạm lại hiện về trong trí nhớ của Thượng tá Nguyễn Đình Khiêm.
Ngày 27-11-2013, qua công tác trinh sát, Tổ công tác xác định đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy Sồng A Trang đang ở nhà tại bản Co Lóng, xã Lóng Luông. Tổ công tác tiếp cận nhà của đối tượng, lúc này vợ của Sồng A Trang là Hàng Y Sía đang ngồi trước cửa nhà phát hiện thấy tổ công tác liền chạy vòng xuống bếp vào nhà để báo tin cho Sồng A Trang.
Anh em trong tổ công tác nhanh chóng tiếp cận và đuổi theo Hàng Y Sía để vào nhà bắt Sồng A Trang, tuy nhiên ngay lúc đó Sồng A Trang đang ở trong buồng nghe tiếng kêu của vợ liền từ trong buồng chạy ra, trên tay lăm lăm khẩu súng Sămplếch bắn thẳng về phía tổ công tác nhưng do Hàng Y Sía ở phía trước nên làn đạn nhanh gọn đã trúng vào người khiến chị Sía tử vong tại chỗ.
Vợ gục trước mặt vẫn không làm Sồng A Trang chùn bước, y tiếp tục nã đạn vào anh em, rất nhanh anh em trong tổ công tác đã kịp thời tiếp cận, khống chế và bắt giữ được Sồng A Trang đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, ngay sau khi nghe thấy tiếng súng nổ, lại biết Hàng Y Sía đã chết, khoảng 100 đối tượng quá khích cùng người nhà của Sồng A Trang tiến hành bao vây, đập phá, đốt cháy 3 xe gắn máy, lấy mất một chiếc của tổ công tác, sau đó tập trung tấn công anh em trong Tổ công tác.
Với nhiệm vụ là Tổ trưởng, lúc này Thượng tá Nguyễn Đình Khiêm đã đứng ra giải thích cho mọi người hiểu. Ở trong vòng vây, anh vừa tuyên truyền, giải thích vừa lo lắng cho anh em phía ngoài vì sợ đối tượng manh động cướp giật vũ khí chống trả.
Tuy nhiên, các đối tượng quá khích đã không nghe anh nói, chúng liên tục dùng gậy gộc, gạch đá tấn công vào đầu và người của anh gây áp lực đòi thả Sồng A Trang, đổ lỗi cho Công an bắn chết Hàng Y Sía…
Mặc dù bị thương nặng, nhưng Thượng tá Khiêm một mình chấp nhận đau đớn cùng anh em trong Tổ công tác giữ nguyên ý chí và quyết tâm bắt giữ đối tượng, đảm bảo an toàn cho tổ công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Sau đó, anh được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu. Do vết thương vào vùng đầu khá nặng, anh được chuyển về Bệnh viện 198 (Bộ Công an) điều trị. Ra viện, anh trở thành thương binh 4/4.
Với thành tích xuất sắc trong công tác truy bắt đối tượng truy nã, năm 2013 Thượng tá Nguyễn Đình Khiêm được Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen đột xuất trong công tác truy bắt đối tượng truy nã; được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen trong quá trình tham gia thực hiện chuyên án.
Khi những vết thương trên cơ thể chớm lành, Thượng tá Nguyễn Đình Khiêm lại tiếp tục cùng anh em lao vào vùng “nóng” về ma túy, với mức độ nguy hiểm hơn, khó khăn, thử thách nhiều hơn. Khuôn mặt đượm lại, Thượng tá Khiêm bảo: “Mình ít nhất có 4 lần bị đạn bắn trực tiếp nhưng do “số hơi cao” nên vẫn bình an”.
Những chuyến vượt rừng vào bản, là những lần mà lằn ranh sinh tử vô cùng mong manh bởi đối tượng ma túy rất manh động, hễ thấy người lạ là ra tay. Nếu biết đó là Công an thì sẵn sàng xả súng. Thượng tá Khiêm kể, có lần anh em đi vào bản Cô Tang, Lũng Xá (Lóng Luông) để trinh sát.
Đối tượng đang ở trong rừng phát hiện có người lạ đã phi về nhà vác súng bắn đuổi theo. Lúc ấy anh em chủ trương rút vì không đảm bảo an toàn. Vừa đi đến đầu bản, có khoảng 4 đối tượng vênh mặt lên hỏi: “Bắn có chuẩn không?”.
Nói thế để thấy rằng, tội phạm ma túy ở địa bàn Lóng Luông khủng khiếp và liều lĩnh cỡ nào. Đây là nơi nhiều ông trùm ma túy, trong đó phải kể đến Tàng Keangnam (Tráng A Tàng).
Những người tham gia buôn bán “cái chết trắng” có rất nhiều tiền, đã khống chế, mua chuộc một số dân địa phương để làm tai mắt cho chúng. Trong vòng bán kính 5km tính từ trung tâm bản, dày đặc đội ngũ “chim lợn”, ngày đêm lượn lờ, sẵn sàng cấp báo mọi thông tin cho các ông trùm.
Những lần đi trinh sát, anh em phải tự tìm con đường bí mật nhất, thường là bạt núi, luồn rừng sâu mà đi chứ đi đường mòn thì bị lộ. Nhà dân thưa thớt mà cũng không biết đó là nhà “lành hay dữ” nên chỉ còn cách ngủ bờ ngủ bụi. Nhiều ngày nằm rừng, cơm không có ăn, nước không có uống.
Anh em phải chia nhau từng miếng lương khô. Đêm mùa đông ở miền núi thì giá rét khủng khiếp, mưa gió, mây mù triền miên, họ nằm ôm nhau để lấy hơi ấm. Còn mùa hè thì nóng như nung nhưng lúc nào cũng phải mặc áo giáp chống đạn. Đó chính là đặc thù công việc của người lính trinh sát ma túy ở miền núi Tây Bắc.
Quá trình đấu tranh các chuyên án (chuyên án đấu tranh với với hai đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận), Thượng tá Khiêm đã có lần đối đầu trực tiếp với trùm ma túy Nguyễn Văn Thuận (đã bị tiêu diệt cùng với Nguyễn Thanh Tuân sau này).
Trong chuyến đi ấy, tổ công tác gồm 10 người, mục đích là bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm ở bản Pa Khôm xã Hang Kia (Hòa Bình), địa bàn giáp với bản Tà Dê, xã Lóng Luông (Sơn La). Tổ công tác đi trên một chiếc xe ô-tô rất nhỏ, trên đường vào bản, anh em đối đầu với hai xe của Nguyễn Văn Thuận và đồng bọn.
Con đường độc đạo, nhỏ hẹp, xung quanh núi cao chạm trời và vực sâu chạm đáy, gần như không có lối thoát. Vốn nhạy bén, tinh quái, Thuận phát hiện ra xe phía trước là Công an nên ra lệnh cho đồng bọn chủ động lùi lại nhường đường. Khi xe Công an vừa vượt qua, một đồng chí trong tổ xuống xe, tiến lại gõ cửa kính xe của Thuận để kiểm tra.
Vừa lúc đó, 4 tên trên xe chĩa thẳng súng ngắm bắn. Rất nhanh, đồng chí xua tay nói: “Không làm gì đâu” rồi lên xe đi qua xe của đối tượng. Khi xe của Tổ công tác vừa đi một đoạn khoảng 100m, thì hai xe của đối tượng Thuận liền quay đầu đuổi theo. Trước tình thế nguy hiểm, Tổ công tác xác định không thể bắt giữ đối tượng theo kế hoạch được.
Lúc ấy chỉ còn tiến về phía trước, nếu quay đầu lại chắc chắn sẽ xảy ra đấu súng và tương quan lực lượng đang bất lợi cho anh em. Một mặt đuổi theo, mặt khác, Thuận điện báo cho đồng bọn ở bản Tà Dê tiếp ứng và tổ chức chặn đầu xe trinh sát. Lúc này Tổ công tác nằm giữa vòng vây, trong một hủm sâu như chiếc lòng chảo, hai đầu các đối tượng bắn súng uy hiếp, đạn bay vèo vèo trước mặt, sau lưng, thật lạnh lùng và tàn khốc.
Xác định tính chất nghiêm trọng, khả năng đụng độ là cao, một mặt Thượng tá Khiêm quán triệt anh em giữ bình tĩnh, không được phép nổ súng vì nếu nổ súng trong thời điểm đó thì không thể lường hết được thương vong. Mặt khác điện báo tăng cường lực lượng chi viện từ Công an huyện Mộc Châu và Vân Hồ.
Để đảm bảo an toàn, anh em đã nhảy ra khỏi xe, lẩn mình vào vườn ngô bên cạnh đường, khi vừa chui vào vườn ngô thì phát hiện có 4 đối tượng người dân tộc Mông trên tay cầm mỗi người 2 khẩu súng AK chĩa vào anh em, với vẻ mặt sát khí đằng đằng sẵn sàng nhả đạn.
Trước tình thế đó, rất nhanh, đồng chí Đội trưởng Đội ma túy Công an huyện Vân Hồ là người Mông đã nói tiếng Mông với chúng: “Anh em đi qua đây không làm gì đâu, cho đi qua…”.
Đối tượng thăm dò một lúc rồi hất họng súng chỉ anh em lên xe ô-tô cho xe đi, nhưng khi anh em vừa lên xe ô tô để đi về thì phát hiện một bánh xe sau bị xẹp lốp, nhưng vẫn phải cố lên xe đi tiếp vì phía sau đối tượng Thuận vẫn hung hăng đuổi theo, bắn chát chúa vào xe. Sự sống lúc này thật sự quá mong manh.
Kể tới đây, tôi cắt ngang hỏi anh: “Lúc ấy anh có sợ hy sinh không?”. Lặng đi một lát, anh nói: “Mình không sợ chết, nhưng có nghĩ đến cái chết. Nghĩ chẳng lẽ nơi này lại là mồ chôn của mình và đồng đội...”.
Năm 2015, Thượng tá Nguyễn Đình Khiêm về nhận nhiệm vụ là Phó trưởng Công an huyện Bắc Yên. Địa bàn Bắc Yên không “nóng” về ma túy như Vân Hồ, Mộc Châu, nhưng với kinh nghiệm và niềm tâm huyết với công việc, anh cùng lãnh đạo đơn vị chỉ đạo sát sao về công tác chuyên môn nghiệp vụ, không để hình thành điểm nóng, đặc biệt là điểm nóng về ma túy, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, được đồng đội tin yêu, quý mến, cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá cao về năng lực và hiệu quả công tác.
Đến cuối năm 2016, anh được tín nhiệm chuyển về công tác tại Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC44), Công an tỉnh, giữ cương vị Phó Chánh văn phòng.
Sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự 2 chuyên án ma túy trên: Tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và chống người thi hành công vụ xảy ra tại bản Tà Dê, Lóng Luông, Văn phòng PC44 được giao thụ lý.
Thượng tá Nguyễn Đình Khiêm cùng anh em đi về những điểm nóng thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ xử lý đối tượng. Anh tự hào cho biết, mình là một trong những cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn tham gia ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến tại Lóng Luông. Và anh cảm thấy mình hạnh phúc vì có người vợ cùng ngành, cảm thông và chia sẻ công việc với chồng.
Theo Ngọc Hoa (Cảnh Sát Toàn Cầu)